Cảnh báo tình trạng bệnh nhi bị tổn thương nặng nề khi bỏng hoá chất do sự bất cẩn của người lớn

Bỏng hóa chất gây ra tình trạng phá huỷ mô da và cơ khi tiếp xúc với da và làm tổn thương cơ quan nội tạng nếu không may hít hoặc nuốt phải.
20/07/2024 15:22

Bệnh nhi T.B.N. (26 tháng tuổi, trú tại Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc), tiền sử bị bệnh Hirschsprung (là dị tật bẩm sinh không có sự tồn tại các tế bào hạch thần kinh của đám rối cơ ruột), đã phẫu thuật cắt đại tràng sau sinh 4 tháng.

Do bố mẹ để bình tẩy rửa thông cống dưới gầm bàn (thành phần chính là Acid Sulfuric - H2SO4), bệnh nhi cầm bình tẩy rửa thông cống chơi và làm đổ hóa chất trong bình vào người gây bỏng. Sau khoảng 5 phút, gia đình phát hiện bệnh nhi bị bỏng, đã cởi bỏ quần áo, dội nước mát lên vết bỏng khoảng 10 phút, sau đó đưa bệnh nhi đến sơ cứu tại y tế địa phương.

Bệnh nhi được truyền dịch, giảm đau, băng vết bỏng và chuyển Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác điều trị.

22

Bệnh nhi bị bỏng hoá chất thông cống

Khoa Điều trị Bỏng trẻ em tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng quấy khóc, đau rát, kích thích, khát nước, sốt 38,2 độ C. Tại chỗ tổn thương bỏng vùng bụng, lưng, mông, hai tay, hai chân; diện tích bỏng 15% (3%) độ III, IV, nhiều đám hoại tử xám.

Bệnh nhi được điều trị theo phác đồ chống sốc, bù dịch, kháng sinh, thay băng, dự phòng viêm ruột, nhiễm khuẩn, bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt hoại tử, ghép da tối thiểu 2 - 3 lần.

Theo các bác sĩ, bỏng acid có thể gặp trong tai nạn sinh hoạt, đặc biệt hay xảy ra ở trẻ em do đặc tính tò mò, bất cẩn của trẻ. Bỏng acid liên quan tới những người làm trong các labo nghiên cứu, ngành công nghiệp hóa chất, xây dựng và sử dụng không chuyên môn các hóa chất. Bên cạnh đó, còn liên quan tới hành động trả thù do mẫu thuẫn cá nhân, ghen tuông hoặc tự vẫn.

Bỏng acid hay gặp ở các vùng thẩm mỹ như mặt, mắt, ngực, sinh dục. Acid khi tiếp xúc với mô tế bào tạo proteinat acid (do ion hóa nhóm carboxyl), gây rối loạn liên kết peptid, làm đứt các mạch peptid, lắng đọng tổ chức keo, protein mô bị đông vón hoàn toàn. Phản ứng tạo proteinat acid còn hút nước tế bào, giải phóng nhiệt gây đốt cháy và làm khô mô tế bào.

Một số acid có khả năng thấm sâu, ngoài tác dụng tại chỗ còn gây nhiễm độc toàn thân. Nồng độ acid càng cao, thời gian tiếp xúc càng lâu, hiện tượng ngưng kết và hút nước càng mạnh, vết bỏng càng sâu và rộng. Bỏng acid trong giai đoạn sớm gây ra tình trạng nhiễm độc, nhiễm khuẩn, giai đoạn muộn thường để lại di chứng nặng nề như sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo co kéo làm ảnh hưởng cả về mặt thẩm mỹ, chức năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Xử lý bỏng acid kịp thời ngay tại nơi xảy ra tai nạn sẽ làm giảm mức độ nặng của tổn thương bỏng:

Ngay sau tai nạn cần nhanh chóng đưa nạn nhân thoát khỏi sự tiếp xúc với acid, tiến hành cấp cứu, cởi bỏ quần áo, giày, dép... nghi nhiễm acid. Sau đó, tưới rửa ngay vùng bỏng dưới vòi nước sạch chảy liên tục để hòa loãng acid và giảm nhiệt cho da. Thời gian duy trì việc tưới rửa nước tối thiểu là 15 - 20 phút.

Tưới rửa xong, vết bỏng cần được băng kín khi vận chuyển tới bệnh viện. Nếu thời gian vận chuyển kéo dài, có thể tiếp tục tiến hành tưới rửa vùng bỏng.

Tuyệt đối không tự ý dùng dung dịch bazơ để xử lý vết bỏng do acid hay đắp các loại lá cây, thuốc đông y, không chủ động gỡ hay làm vỡ vòm nốt phỏng để tránh nguy cơ nhiễm trùng, chuyển độ sâu của vết bỏng.

Tuyệt đối không rửa bằng nước bẩn sẽ gây nhiễm trùng vết bỏng và không dùng vòi xịt nước sạch với lực mạnh dễ gây tổn thương thêm.

Để hạn chế tối đa những rủi ro trong quá trình sử dụng các loại hóa chất có thành phần acid, cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân. Để các loại hóa chất tránh xa tầm tay của trẻ em.

Trong trường hợp bị bỏng acid cần thực hiện đúng, đủ các biện pháp xử lý cấp cứu để hạn chế những di chứng do bỏng acid gây ra.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer