Cấp cứu bé 20 tháng tuổi nguy kịch sau khi ăn na

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhi nguy kịch do hóc dị vật đường thở.
25/09/2024 15:14

Bệnh nhi Đ.N.A.V. (20 tháng tuổi, trú tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng thở nhanh, tím tái.

Empty

Ekip nội soi gắp dị vật

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi - Nhi sơ sinh xử lý cấp cứu và hội chẩn với bác sĩ Khoa Nội soi chuyển phòng mổ để nội soi gắp dị vật.

Theo người nhà bệnh nhi, ở nhà sau khi ăn quả na, bệnh nhi có biểu hiện ho sặc, tím tái nên người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Krông Nô xử lý, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiến hành nội soi gắp dị vật, đến nay sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định. Dự kiến, ngày 26/9 bệnh nhi sẽ được xuất viện.

Empty

Dị vật là hạt na

Theo BSCKII. Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi - Nhi sơ sinh, để phát hiện sớm việc trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ đang chơi, đột nhiên ho nhiều, ho tím tái, nôn, trớ… cần nghĩ ngay trường hợp bị hóc dị vật. Các trường hợp hóc dị vật đường thở nếu không sơ cứu kịp thời, có nguy cơ gây tắc đường thở hoàn toàn, gây tổn thương não không hồi phục hoặc tử vong.

Vì vậy, khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu hóc dị vật, nên thực hiện sơ cứu đúng cách và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Để tránh gây ra nguy hiểm và những di chứng cho trẻ khi bị hóc dị vật, phụ huynh tuyệt đối không bế trẻ nằm ngửa, không dùng tay móc họng để lấy dị vật, điều này rất nguy hiểm cho trẻ.

Cách sơ cứu đối với trẻ nhũ nhi: Phụ huynh phải bình tĩnh bế sấp, đặt trẻ lên cánh tay, cho đầu trẻ chúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần. Tiếp đó, kiểm tra xem dị vật đã ra chưa, nếu chưa thì lật ngược bé lại rồi ấn tại vị trí ép ngực.

Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể bế sấp, vòng tay qua người trẻ ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn thì đưa bé tới bệnh viện.

Dị vật có trong đường thở từ 5-6 phút sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Do đó, nếu việc xử trí không thực hiện đúng và kịp thời trong vài phút đầu, trẻ sẽ bị thiếu oxy lên não khi chuyển đến bệnh viện. Đối với những trường hợp như vậy cho dù cứu được mạng sống cũng sẽ để lại di chứng suốt đời cho trẻ.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer