Cây sầu đâu - “Dược liệu nhiên nhiên” giúp chữa nhiều bệnh

Theo y học cổ truyền Ấn Ðộ Ayurveda, cây sầu đâu là dược liệu không thể thiếu trong các phương thuốc chữa bệnh dân gian trong gần 5.000 năm qua. Y học hiện đại cũng đã chứng thực cây này mang đến rất nhiều lợi ích sức khỏe.
26/05/2022 10:33

Cây sầu đâu xuất xứ từ Ấn Ðộ với tên gọi là Neem (tên khoa học Azadirachta indica). Cây này chứa 130 hợp chất có hoạt tính sinh học, bao gồm Nimbin, desacetyl nimbasa nimbi nene, nimbolide, nimbandial và quercetin… nhiều chất trong đó có tác dụng kháng viêm, kháng virus, diệt khuẩn rất tốt, cũng như giúp tăng cường hệ miễn dịch. Theo các chuyên gia y học cổ truyền và Yoga Ấn Ðộ, mọi bộ phận của cây sầu đâu - từ vỏ, lá, hoa, trái, cành, hạt và rễ - đều chứa những thành phần có lợi cho sức khỏe. Ðặc biệt, nhiều tài liệu y học Ayurvedic cũng mô tả cách dùng cây sầu đâu để điều trị bệnh da liễu, các vấn đề về tóc, tăng sự thèm ăn, thúc đẩy tiêu hóa, chữa bệnh tiểu đường, chữa lành vết thương, giảm buồn nôn… Nhờ giàu chất chống ôxy hóa, sầu đâu còn có thể kiểm soát sự tiến triển của bệnh ung thư.

saudau
Mọi bộ phận từ cây sầu đâu đều có thể dùng làm dược liệu. Ảnh: Internet

Mọi bộ phận từ cây sầu đâu đều có thể dùng làm dược liệu. Ảnh: Internet

Không chỉ được công nhận trong y học cổ truyền, nhiều nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng thực lợi ích sức khỏe của cây sầu đâu. Ðáng chú ý, báo cáo mang tên “Sầu đâu: Loài thực vật giải quyết các vấn đề toàn cầu” năm 1992 của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã công nhận giá trị dược liệu của cây này. Trong 3 thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu chứng minh giá trị y học tiềm năng của sầu đâu trong điều trị bệnh, từ ung thư đến virus corona. Ðơn cử, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Leukemia and Lymphoma năm 2014 cho thấy chiết xuất lá sầu đâu có hiệu quả lâm sàng trong điều trị bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính - một dạng ung thư máu và tủy xương, nơi tạo ra các tế bào máu. Còn theo một nghiên cứu khác của Ðại học Colorado (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Kolkatavà Giáo dục Khoa học Ấn Ðộ, chiết xuất vỏ cây sầu đâu có thể điều trị và giảm sự lây lan của virus corona. Không chỉ vậy, một đánh giá toàn diện được công bố vào tháng 3 năm nay cho thấy cây sầu đâu sở hữu các đặc tính chống ung thư, giảm sốt, chống viêm, chống sốt rét, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, chống ký sinh trùng, ngừa tăng đường huyết và chống ôxy hóa, kích thích hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe răng miệng, bảo vệ da và điều trị vết loét.

Ðược biết ngoài Ấn Ðộ, cây sầu đâu hiện được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới (bao gồm Việt Nam), cho phép các chuyên gia có thể nghiên cứu và khai thác khả năng chữa bệnh tuyệt vời của cây này. Còn tại những nước không có cây sầu đâu, các sản phẩm bổ sung và thuốc từ loài cây này cũng được bán rộng rãi với hình thức khá đa dạng, gồm thuốc viên, thuốc bột, mỹ phẩm, tinh dầu, dầu gội đầu, nước súc miệng...

Công dụng nổi bật từ các bộ phận của cây sầu đâu:

- Cành cây: Nhiều người Ấn Ðộ nhai cành cây sầu đâu như một cách làm sạch răng. Kiểu “đánh răng” này giúp chống lại vi trùng, duy trì mức cân bằng kiềm thích hợp trong nước bọt, ngăn vi khuẩn, giảm viêm nướu, làm trắng răng, ngăn ngừa hình thành mảng bám và sâu răng.

- Dầu hạt sầu đâu: Nhờ chứa thành phần chống lão hóa, dầu chiết xuất từ hạt sầu đâu là thành phần được bổ sung vào các loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da - như xà bông, mặt nạ, nước rửa tay và dầu dưỡng tóc. Khi dùng xoa bóp da đầu, loại dầu này giúp sợi tóc thêm chắc khỏe, ngăn ngừa rụng tóc và trị gàu. Dầu hạt sầu đâu còn có công dụng điều trị các bệnh ngoài da và chống muỗi hiệu quả. 

- Vỏ: Vỏ cây sầu đâu có thể dùng chữa bệnh sốt rét, loét dạ dày và ruột, hạ sốt, trị bệnh da liễu cũng như có thể giải quyết các vấn đề về răng miệng, ngăn ngừa hình thành mảng bám và tiêu diệt vi khuẩn gây hại răng miệng. Nhờ tính khử trùng và làm se hiệu quả, vỏ cây sầu đâu còn giúp chữa lành vết loét trong khoang miệng, đồng thời hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa và tăng tốc độ trao đổi chất.

- Lá: Lá sầu đâu xay nhuyễn được dùng điều trị chí, một số bệnh da liễu, vết thương và loét da ở nhiều nước châu Á. Nó cũng được sử dụng như một loại thuốc chống muỗi. Nước nấu từ lá sầu đâu có thể dùng khử khuẩn ngoài da, trong khi bột làm từ lá sầu đâu phơi khô có thể dùng uống và bôi ngoài da để chữa dị ứng.

- Trái: Loại dầu ép từ trái sầu đâu có thể dùng làm thuốc trẻ hóa tóc hoặc loại trừ gàu, diệt chí, hoặc dùng như một chất đuổi muỗi.

- Hoa: Theo y học cổ truyền Ấn Ðộ, những bông hoa sầu đâu trắng mỏng manh có đặc tính "làm mát", nên thường được kết hợp trong các món ăn mùa hè để giải nhiệt.

Theo SCMP

comment Bình luận

largeer