Nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam – tiềm năng khai thác và phát triển

Nhằm khai thác được các tiềm năng nguồn tài nguyên dược liệu, phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có những chủ trương, đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, phát triển nguồn dược liệu để khai thác và phát triển.
19/05/2022 21:09

Tại buổi hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), PGS.TS. Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã có báo cáo về “Nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam – tiềm năng khai thác và phát triển”.

NGUỒN TÀI NGUYÊN DƯỢC LIỆU VIỆT NAM – TIỀM NĂNG KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN

Về thành phần loài cây thuốc

Từ năm 2010 đến nay, nhiều đơn vị và địa phương trên cả nước đã triển khai điều tra và tái điều tra đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên gần 30 tỉnh thuộc 7 vùng trên cả nước:

+ Vùng Tây Bắc: Lai Châu (450 loài), Điện Biên (562 loài), Sơn La (535 loài)

+ Vùng Đông Bắc: Bắc Kạn (415 loài), Lào Cai (549 loài), Yên Bái (510 loài), Tuyên Quang (682 loài), VQG Tam Đảo - Vĩnh Phúc (375 loài), Hà Giang (1.565 loài), Lạng Sơn (933 loài), Khu BTTN Na Hang - Tuyên Quang (647 loài), huyện Định Hoá -Thái Nguyên (307 loài), Quảng Ninh (948 loài).

+ Vùng Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá (714 loài), Nghệ An (962 loài), VQG Vũ Quang - Hà Tĩnh (429 loài), VQG Bạch Mã - Thừa Thiên Huế (548 loài).

+ Vùng Nam Trung Bộ: Quảng Nam (832 loài), Quảng Ngãi (625 loài), Đà Nẵng (1.117 loài), Ninh Thuận (1.269 loài)

+ Vùng Tây Nguyên: Đắk Lắk (725 loài), Gia Lai (841 loài), Kon Tum (841 loài), Lâm Đồng (1.247 loài), Đắk Nông (910 loài)

+ Vùng Đông Nam Bộ: Đồng Nai (905 loài), Bình Dương (691 loài)

+ Vùng Tây Nam Bộ: An Giang (1.083 loài), Kiên Giang (1.124 loài), Cà Mau (229 loài)

Hiện nay, công tác điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu đang triển khai tại một số tỉnh như Đồng Nai, Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Gia Lai, Vĩnh Phúc...

Trong quá trình điều tra về thành phần loài cây dược liệu, còn chú trọng điều tra về phân bố và trữ lượng của các cây dược liệu bản địa, cây có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển, như các loài thuộc chi: Qua lâu (Trichosanthes), Kim ngân (Lonicera), Bảy lá một hoa (Paris), Nhân sâm (Panax), Hoàng liên ô rô (Mahonia), Đảng sâm (Codonopsis), Thiên niên kiện (Homalomena), Sa nhân (Amomum), Muồng truổng (Zanthoxylum), Sâm cau (Curculigo), nhóm cây thuốc có tiềm năng phục vụ ngành Hoá Dược,.. để khai thác phát triển. Đồng thời xây dựng qui trình khai thác bền vững của các loài có trữ lượng lớn trong tự nhiên như: Rau đắng biển, Sa nhân, Thiên niên kiện,  Chè dây… Tập trung triển khai đánh giá hiện trạng các loài cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng nhằm có được những dẫn liệu cơ bản góp phần phục vụ công tác xây dựng Sách Đỏ Việt Nam và bảo tồn nguồn genes cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Dựa vào kết quả điều tra từ năm 1961 đến nay, Viện Dược liệu Việt Nam đã xuất bản Danh mục cây thuốc Việt Nam (2016), trong đó đã giới thiệu 5117 loài và dưới loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành Thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm Rêu, Tảo và Nấm lớn…Với trên 5000 loài cây thuốc và vốn tri thức bản địa sẽ là một kho tàng vô giá để triển khai các nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiềm năng khai thác các loài cây thuốc tự nhiên

Kết quả điều tra khảo sát đã xác định được danh mục 70 loài/nhóm cây dược liệu có khả năng khai thác ở nhiều vùng khác nhau như: Màng tang, Bách Bộ, Cỏ xước, Hà thủ ô trắng, Núc nác, Hương phụ, Hy thiêm, Mạn kinh tử, Ngũ gia bì chân chim, Rau đắng biển, Gắm, Rau đắng đất, Lạc tiên, Diếp cá, Thiên niên kiện, Câu đằng,..

- Thực tế cho thấy, nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam hiện vẫn đang được khai thác để bán qua biên giới như: Một lá, Cỏ nhung, Bảy lá một hoa, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Hoàng tinh vòng… Trữ lượng các loài này so với những năm trước đây đã cạn kiệt nhiều, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, tránh tình trạng các nguồn gen quí của nước ta bị thất thoát qua biên giới. Việc khai thác dược liệu tự nhiên ồ ạt và bán sang Trung Quốc vẫn đang là một vấn đề cần các cấp quản lý quan tâm để xây dựng kế hoạch quản lý nguồn dược liệu tự nhiên bền vững và hiệu quả.

Mặt khác, việc khai thác các loài dược liệu tự nhiên hiện chưa có qui trình khai thác, chưa tuân thủ theo nguyên tắc GACP-WHO. Hiện mới chỉ có 02 loài là Rau đắng đất và Chè dây được nghiên cứu xây dựng qui trình khai thác bền vững theo GACP-WHO tại một số vùng khai thác. Còn một số loài khác như: Rau đắng biển, Sa nhân, Thiên niên kiên, Cẩu tích, Ngũ sắc, Tắc kè đá …đang bước đầu quan tâm triển khai nghiên cứu chuyên sâu nhằm đề xuất các quy trình khai thác bền vững. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu cần đầu tư nghiên cứu đề phổ biến và chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu khai thác dược liệu.

Tiềm năng phát triển trồng, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc

Trong nguồn tài nguyên dược liệu đa dạng phong phú hiện nay, có rất nhiều loài cây dược liệu đã được đầu tư nghiên cứu và phát triển tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.  Hiện nay, có hơn 100 loài cây dược liệu được trồng phục vụ nhu cầu thị trường, có một số loài đã và đang có vùng trồng tập trung như: Thanh hao hoa vàng, Đinh lăng, Kim tiền thảo, Diệp hạ châu, Trinh nữ hoàng cung, Gấc, Nghệ, Hòe, Hồi, Quế, Bụp giấm, Actiso, ... Tổng sản lượng dược liệu trồng Thanh hao hoa vàng (gần 500 tấn/năm), Quế (trên 300 tấn/năm), Kim tiền thảo (gần 300 tấn/năm)...Về diện tích trồng một số cây truyền thống như Quế, Cúc hoa, Hồi, Hoè, Kim tiền thảo, Diệp hạ châu đắng, Địa liền, Sinh địa, Đinh lăng, Dây thìa canh, Giảo cổ lam, Khôi, Ba kích, Cà gai leo, Kim ngân...gần đây đã tăng lên khá nhiều. Một số loài khác cũng đang được đầu tư phát triển vùng trồng như Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm, Bình vôi, Lan kim tuyến, Bạch tật lê, Hoàng tinh, Hy thiêm,…

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu chung, nhiều tổ chức và cá nhân đã triển khai và tạo thành vùng trồng cây thuốc được hình thành trong cả nước như:

Vùng Đông Bắc: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và một phần của Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang trồng: Quế, Địa liền, Bạch truật, Sả, Ý dĩ, Ba kích, Hồi, Kim tiền thảo, Nhân trần, Bình vôi, Táo mèo.

Vùng Tây Bắc: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình trồng: Mộc hương, Xuyên khung, Đỗ trọng, Đương quy, Bạch truật, Bạch chỉ, Độc hoạt, Hoàng bá, Sa nhân, Thảo quả, Artisô, Nghệ, Táo mèo.

Vùng Đồng bằng Sông Hồng: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc trồng: Bạc hà, Hương nhu, Bạch chỉ, Bạch truật, Đương quy, Sinh địa, Ích mẫu, Cúc hoa, Ngưu tất, Trạch tả, Hòe, Thanh hao, Mã đề, Hoắc hương, Đinh Lăng, Nghệ, Gừng, Cốt khí củ, Gấc, Mướp đắng, Kim tiền thảo, Diệp hạ châu đắng, Củ mài.

Vùng Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trồng Quế, Ý dĩ, Củ mài, Bạc hà, Hương nhu, Sả, Ba kích, Hoa hòe, Sâm báo, Hy thiêm, Ích mẫu, Nghệ, Diệp hạ châu đắng, Đinh lăng.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận trồng Quế, Đậu ván trắng, Râu mèo, Dừa cạn, Bụp giấm, Trinh nữ hoàng cung, Nghệ, Mã đề, Diệp hạ châu đắng, Tỏi, Lô hội, Thanh hao.

Vùng Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng trồng Actiso, Gừng, Sả, Nghệ, Sâm Ngọc linh, Đảng sâm, Ngũ vị tử, Thông đỏ, Diệp hạ châu đắng, Củ mài, Ý dĩ, Dương cam cúc, Đinh lăng, Bình vôi, Gấc, Táo mèo.

Vùng Tây Nam Bộ: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Cửu Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long trồng Bụp giấm, Sả, Nghệ, Xuyên tâm liên, Tràm, Sen, Củ mài, Diệp hạ châu đắng, Trinh nữ hoàng cung, Gừng, Mã đề, Chùm ngây, Bạc hà, Râu mèo, Thủy xương bồ, Rau má, Diếp cá, Gấc, Tần dầy lá, Rau Ngổ, Nhàu.

Vùng Đông Nam Bộ: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh trồng Bụp giấm, Sả, Nghệ, Xuyên tâm liên, Nhân trần, Dừa cạn, Trinh nữ hoàng cung, Kim tiền thảo, Bá bệnh, Mã đề, Râu mèo, Tràm, Nhàu, Chùm ngây, Nhân trần tía.

- Trong hơn 100 loài cây dược liệu đang được trồng hiện nay, có trên 50 loài được trồng với qui mô lớn (trên 10 ha) và được trồng theo kế hoạch của các công ty. Có trên 30 loài đang triển khai thực hiện theo GACP-WHO: Actiso, Diệp hạ châu, Dây thìa canh, Cỏ mực, Tần dầy lá, Hà thủ ô đỏ, Đảng sâm, Ba kích, Nghệ, Giảo cổ lam, Ý dĩ, Bình vôi, Đương qui, Bìm bìm, Đinh lăng, Nghệ, Địa liền, Cà gia leo, Bạch hoa xà thiệt thảo, Hy thiêm, Sâm báo, Trinh nữ hoàng cung, Sinh địa, Củ mài, Cúc hoa vàng, Ích mẫu, Trạch tả, Ngưu tất…Điển hình có một số công ty đi đầu trong việc triển khai trồng dược liệu theo GACP-WHO: Công ty cổ phần Traphaco, công ty TNHHSXTM Hồng Đài Việt, công ty TNHH Thiên Dược, công ty TNHH Nam Dược, Công ty Dược Hậu Giang, Công ty TNHHMTV Dược Khoa, công ty CPDOPC Bắc Giang, công ty Solavina, Công ty Domesco…Hiện đã có trên 30 loài cây thuốc được Bộ Y tế tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận vùng trồng dược liệu theo GACP-WHO.

- Để đảm bảo nguồn nguyên liệu làm thuốc có chất lượng, thì nhiệm vụ của các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu Khoa học - Công nghệ cần tập trung vào chọn tạo ra các giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao; Xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng trọt tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn GACP…. Đến nay, Viện Dược liệu đã ban hành gần 200 qui trình của 60 loài là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học các cấp như cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh: Sâm Việt Nam, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Ba kích, Hy thiêm, Cà gai leo, Náng, Actiso, Đương qui, Đan sâm, Cát cánh, Ngũ gia bì hương, Sa nhân tím, Ích mẫu, Đinh lăng, Diệp hạ châu, Kim tiền thảo, Trạch tả, Ý dĩ, Mã đề, Nghệ, Dây thìa canh …Gần 40 quy trình công nghệ của 30 loài cây dược liệu đã được triển khai, ứng dụng vào thực tiễn và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương như: Nghệ (Quảng Ninh, Kon Tum, Thanh Hoá); Đương qui (Hà Giang, Lào Cai, Lâm Đồng), Địa liền (Bắc Giang), Hà thủ ô đỏ (Lào Cai, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hà Giang); Thiên niên kiện (Thanh Hoá), Sa nhân (Thái Nguyên, Thanh Hoá); Ba kích, Cà gai leo, Hy thiêm (Thanh Hoá), Đan sâm (Sơn La, Hà Giang, Lào Cai), Cúc hoa (Hưng Yên), Dây thìa canh, Đinh lăng (Nam Định, Gia Lai), Tần dầy lá (Hậu Giang), Sâm báo, Bạch truật (Kon Tum),…nhằm phát triển vùng trồng tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc. Viện Dược liệu đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp trên cả nước triển khai gần 30 dự án sản xuất thử nghiệm thuộc các chương trình Nông thôn miền núi, Nông thôn mới, Quĩ genes…Bên cạnh đó, Viện đã triển khai đào tạo, tập huấn về “Thực thành trồng trọt và thu hái tốt cây thuốc (GACP-WHO)” cho nhiều tổ chức sản xuất kinh doanh dược liệu. Đã thẩm định gần 40 qui trình kỹ thuật trồng trọt theo GACP của trên 30 loài cho các công ty sản xuất kinh doanh dược liệu. Hiện nay, Viện Dược liệu đang phối hợp tư vấn cho 30 đơn vị để triển khai phát triển vùng trồng của 20 loài ở 25 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Nhiều loại dược liệu trong nước đã bước đầu cung cấp đáp ứng nhu cầu của các công ty và thị trường. Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng phát triển trồng nhiều loài cây dược liệu nhưng do quá trình triển khai còn nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết và thị trường không ổn định nên việc trồng cây dược liệu còn gặp nhiều khó khăn. Cần tiếp tục lựa chọn các loài cây dược liệu có thế mạnh để ưu tiên phát triển tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.

Về tri thức bản địa

Song song với quá trình điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc, đã triển khai các đợt điều tra thu thập cây thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc và bài thuốc của đồng bào dân tộc: H’Mông (Lào Cai); Mường (Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An);  Dao (Ba Vì, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc); Ka Tu (Thừa Thiên Huế); Vân Kiều (Tây Nguyên); Tày (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên); Nùng (Lạng Sơn); Sán Dìu (Vĩnh Phúc); Khơ Me (An Giang); Mông, Dao (Lào Cai); Sán Dìu, Sán chay (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)… Đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc của 15 dân tộc lớn trên cả nước. Thu thập và sưu tầm được hơn 1000 bài thuốc dân gian chữa bệnh của cộng đồng các dân tộc, những bài thuốc này đã phục vụ cho việc nghiên cứu sàng lọc, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm phục vụ công tác phòng chống bệnh tật. Đây là tiền đề để triển khai nghiên cứu phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030”, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai xây dựng quy hoạch/kế hoạch phát triển dược liệu cho toàn tỉnh. Hiện đã có một số tỉnh đã triển khai xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dược liệu như: Hà Giang (2015), Quảng Ninh (2017), Quảng Nam (2017), Sơn La (2017), Yên Bái (2017), Lào Cai (2017), Nghệ An (2018), An Giang (2018), Quảng Nam (2018), Kon Tum (2018), Hòa Bình (2018), Kiên Giang (2019) Lai Châu (2019), Gia Lai (2019, 2021), Đắk Nông (2021), …Bên cạnh đó, một số tỉnh có kế hoạch triển khai điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu và xây dựng kế hhoạch bảo tồn và phát triển dược liệu như: Đồng Nai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,.. Hiện nay, Viện Dược liệu và một số đơn vị chuyên môn đã và đang phối hợp với các địa phương nhằm đẩy mạnh và hoàn thành công tác điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu trên cả nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Kết quả điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu cho thấy tiềm năng khai thác và phát triển nhiều loài cây thuốc hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu để từng bước chủ động nguồn nguyên liệu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TRIỂN KHAI ĐỂ KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG NGUỒN TÀI NGUYÊN DƯỢC LIỆU VIỆT NAM

- Tiếp tục triển khai điều tra về tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở các tỉnh/thành phố chưa điều tra, chú trọng về sinh vật biển, nấm, tảo làm thuốc.

- Lựa chọn các loài cây thuốc có tiềm năng khai thác có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường để điều tra trữ lượng và xây dựng Qui trình khai thác bền vững theo GACP-WHO. Xây dựng các vùng khai thác bền vững

- Bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quí có nguy cơ bị tuyệt chủng và có giá trị kinh tế.

- Xây dựng một số mô hình phát triển theo chuỗi giá trị một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Thanh Huyền

Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu (Bộ Y tế)

comment Bình luận

largeer