Cây tổ kén tròn điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng và rối loạn tiêu hóa

Bên cạnh hai cây thuốc quen thuộc là tổ kén đực và tổ kén cái thì ở nước ta còn có cây tổ kén tròn (hay còn gọi là cây dó trĩn). Đây là cây thuốc nổi tiếng trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa (ở cả Ấn Độ và Việt Nam).
26/09/2023 16:05

Như tên gọi, cây tổ kén tròn có quả hình trụ dài, xoắn tròn như tổ kén, riêng phiến lá thì có hình trái xoan và tròn hơn các loại cây tổ kén khác (như tổ kén đực, tổ kén cái, tổ kén lá mác, tổ kén không lông...).

Hoa tổ kén tròn có màu hồng tía, mọc thành cụm và có lá đài. Ở nước ta, cây này mọc rải rác ở nhiều tỉnh Bắc, Trung, Nam và ở nhiều nước khác cũng có loại cây này (như Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Thái Lan…).

Công dụng làm thuốc của cây tổ kén tròn

Bộ phận được dùng làm thuốc chủ yếu của cây là rễ (ngoài ra còn dùng quả, vỏ rễ và vỏ thân). Khi dùng làm thuốc, ta nhổ rễ cây, đem rửa sạch, cắt nhỏ ra rồi phơi khô.

Theo y học cổ truyền, rễ cây tổ kén tròn có vị hơi đắng và có công dụng chính là lý khí, làm dịu, giảm đau, giúp lợi tiêu hóa, chống tiêu chảy, đầy hơi, điều trị viêm loét dạ dày và tắc ruột.

Cây tổ kén tròn. Ảnh: Caythuoc.org

Cây tổ kén tròn. Ảnh: Caythuoc.org

Các bài thuốc cụ thể có dùng tổ kén tròn

Điều trị viêm ruột mạn tính và loét dạ dày

Chuẩn bị: Rễ và quả cây (từ 12 – 20g).

Thực hiện: Xắt nhỏ, nấu lấy nước uống trong ngày.

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng (hoặc đau dạ dày thể nhiệt)

Chuẩn bị: Rễ cây tổ kén tròn (16g), rễ cây hoàng lực (16g) và ba chạc (16g).

Thực hiện: Tất cả rửa sạch, nấu lấy nước uống trong ngày.

Điều trị rối loạn tiêu hóa (đau bụng)

Chuẩn bị: Lá cây tổ kén tròn (20g).

Thực hiện: Rửa sạch, nấu lấy nước uống hàng ngày.

Lưu ý: Tránh nhầm lẫn cây này với cây an xoa (tổ kén cái), loài cây có hình dáng khá giống với tổ kén tròn. 

Các nghiên cứu

Hoạt tính hạ đường huyết: Theo Tạp chí Fitoterapia, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất ethanol, ethyl acetate và butanol từ rễ cây tổ kén tròn đều có tác dụng hạ đường huyết đáng kể (riêng chiết xuất butanol thì tác dụng hạ đường huyết của nó tương đương với Glibenclamide (thuốc cho bệnh nhân tiểu đường type 2). Bên cạnh đó, một kết quả nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology cũng cho thấy chiết xuất ethanolic từ rễ cây có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu cũng như mỡ máu (ở chuột thí nghiệm). Điều này giải thích cho việc dân gian Ấn Độ đã dùng nước ép rễ cây để điều trị tiểu đường.

Và không chỉ rễ cây mà vỏ và quả cây cũng có tác dụng này. Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất nước từ vỏ cây thuốc này có tác dụng làm giảm đường huyết đáng kể ở chuột mắc bệnh tiểu đường (qua đường uống).

Theo Tạp chí Indian Journal of Pharmaceutical Sciences, chiết xuất nước nóng của quả cũng có tác dụng chống tiểu đường vừa phải.

Hoạt tính chống oxy hóa: Theo Tạp chí Journal of Food Science and Technology, chiết xuất phenolic từ quả tổ kén tròn có tác dụng chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do.

Hoạt tính chống co thắt: Theo Tạp chí Phytotherapy research, quả cây này có hoạt tính giúp chống co thắt rất tốt và điều này đã giải thích vì sao nó thường được kê đơn trong các bài thuốc cổ truyền ở Ấn Độ để điều trị bệnh về đường ruột.

Hoạt tính giảm đau: Theo Tạp chí Fitoterapia, chiết xuất petroleum ether, chloroform và chiết xuất của rễ tổ kén tròn đều có tác dụng giảm đau đáng kể.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer