Cha mẹ sẽ ngừng cho bé ăn xúc xích nếu biết được các lý do này

Xúc xích là món ăn được nhiều trẻ em yêu thích, thậm chí là "nghiện". Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần phải cân đối chế độ ăn cho bé một cách phù hợp nhất, tránh ăn quá nhiều xúc xích để tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
19/03/2021 18:10

Xúc xích chứa những thành phần gì?

Xúc xích là món ăn quen thuộc với nhiều người, xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Ở mỗi quốc gia, các nguyên liệu, thành phần chế biến của xúc xích cũng khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn chung, xúc xích là một loại thực phẩm chế biến từ thịt (thịt lợn, thịt bò...) bằng phương pháp dồi (nhồi thịt và dồn vào một bì) kết hợp với các loại nguyên liệu khác như muối, gia vị, phụ gia....

Đây cũng là một trong những món ăn lâu đời nhất mà con người đã tạo ra trong quá trình bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng phương pháp hong khói, phơi khô, ủ muối hoặc hấp chín. Xúc xích được phân biệt hai loại chính là xúc xích khô và xúc xích tươi. Xúc xích khô là loại xúc xích vẫn quen gọi là xúc xích hun khói. Còn xúc xích tươi là loại xúc xích được làm thành hình nhưng chưa qua chế biến.

xuc xich

Hình minh họa.

Các loại xúc xích thông thường trong sản phẩm của chúng có các thành phần cơ bản: Thịt mỡ lợn, thịt gà, thịt bò, muối, nước, đường, nitrit, protein đậu nành và sữa, polyphosphate, axit ascorbic, hương liệu, bột ngọt, màu thực phẩm... Cụ thể là các loại thịt mỡ heo/gà/bò, muối, nitrit, nước, protein đậu nành và sữa, đường, hương liệu, polyphosphate (E 450), bột ngọt (E 621), mùi khói, axít ascorbic (E 300), màu thực phẩm (E 120).

Xúc xích không chứa gia vị, cũng không mang lại cho trẻ nhiều giá trị dinh dưỡng. Do các thành phần của xúc xích chỉ có khoảng 10% thịt tự nhiên, 30% là mỡ động vật, da và thịt gia cầm. Phần còn lại là nhũ của chất đạm và chất béo, các chất ổn định đạm cũng như dầu thực vật và nước, trong xúc xích còn có caseinat natri, một chất dựa trên casein, là đạm của sữa, được thêm vào để tăng lượng đạm. Ngoài ra, một phần của xúc xích là tinh bột và bột mì.

Các chất trong xúc xích gây mất cân bằng dinh dưỡng cho trẻ nghiêm trọng nếu ăn quá nhiều, có thể gây hại cho sức khỏe.

Ăn nhiều xúc xích gây ra tác hại gì?

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số nguy cơ cực xấu đối với trẻ khi ăn nhiều xúc xích.

Thừa cân, béo phì: Hàm lượng protein trong xúc xích rất thấp, lại chứa nhiều các chất béo bão hòa. Trong 100g xúc xích tương đương 290 calo và chứa đến 26 g chất béo, tương đương với 40% chất béo cần thiết trong một ngày. Do đó, nếu trẻ ăn xúc xích thường xuyên dễ bị thừa cân, béo phì.

tre beo phi

Hình minh họa.

Gây ung thư: Theo nghiên cứu của các chuyên gia, các loại thịt chế biến như xúc xích, thịt xông khói và lạp xưởng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn 50g thịt chế biến sẵn mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 18%, trong khi 50g thịt là khoảng 4 miếng thịt xông khói hoặc bằng 1 chiếc xúc xích. Nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) cũng cho thấy thực phẩm chế biến sẵn rất dễ dẫn đến ung thư vú.

Trong xúc xích còn có chứa muối nitrate dùng để bảo quản thực phẩm. Muối này khi vào cơ thể, dưới tác dụng của các men tiêu hóa, tham gia phản ứng ôxy hóa khử ở dạ dày và đường ruột, sinh ra chất nitrite.

Nitrite có tác dụng ôxy hóa hemoglobin của hồng cầu, biến hemoglobin thành methemoglobin ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, thiếu máu, ung thư, thậm chí gây tử vong cho người dùng. Trẻ em, nếu ăn nhiều thực phẩm có chứa nitrate dễ bị nhiễm độc dẫn đến cơ thể xanh xao, ốm yếu, khó thở.

Gây bệnh đột quỵ: Xúc xích có nhiều chất béo làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể. Cholesterol cao cũng có thể khiến máu đóng cục và ngăn máu chảy lên não. Ngoài ra, chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chế biến sẵn cũng tương đối cao, một số loại dầu hydro hóa trong đó có thể gây ra cholesterol cao, bệnh tim và đột quỵ. 

Giảm khả năng hấp thụ canxi: Một chất phụ gia thực phẩm thường được sử dụng trong chế biến xúc xích là polyphosphate, có khả năng giúp tăng nhũ hoá, tạo gel kết dính, tạo độ giòn dai. Việc lạm dụng sẽ làm giảm khả năng hấp thu canxi, khiến bé có thể bị còi xương.

Trên đây là một số những tác hại nghiêm trọng nếu cho bé ăn quá nhiều xúc xích. Do đó, cha mẹ cần hạn chế cho bé ăn thực phẩm này để tránh những tác hại nguy hiểm.

Thủy Tiên (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer