Châu Âu phát hoảng với 3 biến thể virus

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 22-1 (giờ Việt Nam) cảnh báo 3 biến thể mới của virus corona - xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil - sẽ dẫn đến nhiều ca mắc mới, khó tránh khỏi số ca tử vong tăng lên.
23/01/2021 14:33
Châu Âu phát hoảng với 3 biến thể virus, tình hình rất nghiêm trọng - Ảnh 1.

 

Các nữ y tá chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Anh - Ảnh: Reuters

"Tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu đi ở những khu vực có nhiều biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2. Càng nhiều ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến càng nhiều ca nhập viện và tử vong cao hơn ở mọi nhóm tuổi" - giám đốc Andrea Ammon của ECDC cảnh báo.

"Tình hình rất nghiêm trọng"

ECDC khuyến cáo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) "nên chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó với dịch bệnh". Anh và một số nước EU đã hoặc đang xem xét đóng cửa biên giới với các nước khác để hạn chế sự lây lan của các biến thể mới.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định tình hình tại châu Âu hiện "rất nghiêm trọng", vì các biến thể mới và sự gia tăng các ca nhiễm. Bà Leyen cho biết ủy ban sẽ thêm màu "đỏ sẫm" vào thang cảnh báo rủi ro, và màu mới này là dành cho các khu vực đang có tỉ lệ lây nhiễm cao. Hiện tại, hầu hết châu Âu đang ở mức màu đỏ, theo Hãng tin Reuters.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các quốc gia châu Âu cần nghiêm túc xem xét biến thể mới được tìm thấy đầu tiên ở Anh để tránh làn sóng dịch bệnh thứ ba. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng nói rằng ông sẽ yêu cầu các lãnh đạo EU ngừng đi công tác không cần thiết.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cũng thông báo tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Anh để kiểm soát và hạn chế nguy cơ từ biến thể mới của virus corona. Bồ Đào Nha cũng ra lệnh đóng cửa các trường học trong 15 ngày, kể từ 22-1, trong bối cảnh các bác sĩ ở những bệnh viện nước này kiệt sức và tuyệt vọng trước số lượng bệnh nhân COVID-19 kỷ lục.

Thủ tướng Costa nhận định biến thể mới có thể chiếm đến 60% các ca mắc mới ở nước này trong những tuần tới, tăng từ 20% hiện nay. Bồ Đào Nha đã ban hành lệnh phong tỏa hồi tuần trước, buộc các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa và yêu cầu người dân ở nhà. Số ca mắc mới ở nước này ngày 21/1 là hơn 13.500 ca, thấp hơn con số kỷ lục hơn 14.600 ca của ngày trước đó.

Hà Lan sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm đầu tiên kể từ Thế chiến II từ ngày 22/1 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Lệnh giới nghiêm sẽ chỉ cho phép những người có nhu cầu cấp bách rời khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 21h-4h30, và dự kiến kéo dài đến ngày 9/2. Người vi phạm có thể bị phạt 95 euro (115 USD).

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21-1 cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về việc chấm dứt lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này đang ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục và các bệnh viện đang quá tải. Anh ngày 20/1 đã ghi nhận 1.820 ca tử vong. Dù số ca tử vong trong ngày 21/1 có thấp hơn nhưng ông Johnson vẫn mô tả những con số này "thật khủng khiếp".

Cuộc khảo sát về tỉ lệ lây nhiễm, mang tên REACT-1, cho thấy số ca nhiễm virus corona đã không giảm trong những ngày đầu tiên thực hiện biện pháp phong tỏa. Chính phủ Anh giải thích rằng tác động của các biện pháp chống dịch toàn quốc bao gồm lệnh phong tỏa, được áp dụng vào ngày 5/1, chưa được tính chính xác. 

Thủ tướng Johnson cho rằng số ca COVID-19 tăng mạnh vào cuối năm 2020 là do biến thể dễ lây lan hơn của virus corona tại Anh.

Biến thể ở Nam Phi, Brazil kháng vắcxin?

Nghiên cứu mới nhất, được các nhà khoa học công bố trên trang biorxiv.org ngày 20/1, phát hiện biến thể của virus corona ở Nam Phi có khả năng kháng các loại vắcxin đang lưu hành. Các nhà khoa học cho biết thêm rằng có những điểm tương đồng giữa biến thể ở Nam Phi và một biến thể khác được xác định ở Brazil, cho thấy biến thể ở Brazil nhiều khả năng cũng có thể kháng vắcxin tương tự.

"Dữ liệu cho thấy các loại vắcxin đang lưu hành có thể kém hiệu quả với biến thể ở Nam Phi. Dữ liệu cũng cho thấy khả năng tái nhiễm của những người từng mắc COVID-19 trước đây đối với biến thể ở Nam Phi" - ông Liam Smeeth, thuộc Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London, người không liên quan đến nghiên cứu trên, nhận định. Tuy nhiên, ông Smeeth cho rằng cần những nghiên cứu quy mô lớn hơn để có thể đưa ra nhận định chính xác hơn.

Hiện tại, các hãng sản xuất dược phẩm như Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna và CureVac NV đang kiểm nghiệm để xem liệu các vắcxin đã phát triển của họ có bảo vệ người tiêm chủng trước biến thể ở Nam Phi hay không. BioNTech cho biết sẽ công bố chi tiết phân tích tác động của vắcxin của hãng này trên biến thể Nam Phi trong vài ngày tới.

Mỹ tham gia COVAX

Ông Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 21-1 thông báo nước này có ý định tham gia chương trình COVAX - sáng kiến phân phối vắcxin COVID-19 cho các nước nghèo. Các lô vắcxin COVID-19 đầu tiên trong chương trình COVAX, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và liên minh vắcxin GAVI, dự kiến sẽ được chuyển đến các nước nghèo vào tháng 2, theo Hãng tin Reuters.

Ông Fauci cam kết Mỹ vẫn tiếp tục là một thành viên của WHO, sẽ "hoàn thành các nghĩa vụ tài chính" đối với tổ chức này, đồng thời làm việc với 193 quốc gia thành viên để "cải cách" WHO.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer