Chỉ ăn hạt thay bữa chính để giảm cân: Cẩn thận nguy cơ béo phì

Nhiều người hiện nay lựa chọn ăn các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt macca, hạt hướng dương… thay cho các bữa ăn chính với mong muốn giảm cân. Họ cho rằng hạt là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh, giúp tạo cảm giác no lâu, hạn chế thèm ăn và vẫn cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể.
14/07/2025 15:27

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, quan niệm chỉ ăn hạt thay bữa chính để giảm cân là sai lầm và có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng nếu áp dụng không đúng cách.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, Tiến sĩ Lê Thị Hương Giang – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 19-8 – cho biết: “Chỉ ăn hạt thay bữa chính là một quan niệm sai lầm. Dù các loại hạt rất giàu dinh dưỡng, nhưng hàm lượng calo và chất béo trong chúng cũng rất cao. Nếu không kiểm soát khẩu phần, việc ăn hạt quá nhiều có thể gây tăng cân thay vì giảm cân.”

carbs-shutterstock_VHNR

Cụ thể, chỉ khoảng 30g hạt đã cung cấp 180–200 kcal – tương đương năng lượng trong một bát cơm trắng. Khi ăn nhiều lần trong ngày mà không tính toán tổng lượng calo nạp vào, người ăn có thể bị thừa năng lượng, dẫn đến tích lũy mỡ thừa, rối loạn lipid máu, rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu...

Một nghiên cứu đăng trên British Journal of Nutrition (2015) cũng chỉ ra rằng, nếu tiêu thụ các loại hạt quá mức mà không điều chỉnh tổng năng lượng khẩu phần ăn, nguy cơ béo phì là hoàn toàn có thể xảy ra – đặc biệt ở những người ít vận động hoặc đã thừa cân.

Những ai không nên ăn nhiều hạt?

Theo TS. Lê Thị Hương Giang, một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng các loại hạt trong chế độ ăn:

Người suy thận mạn: Các loại hạt chứa hàm lượng cao kali và phốt pho, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thận.

Người có cơ địa dị ứng: Một số loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều dễ gây phản ứng dị ứng, thậm chí sốc phản vệ.

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, lại có nguy cơ hóc sặc nếu ăn hạt nguyên, không xay nhuyễn.

TS. Giang nhấn mạnh: “Hạt chỉ nên được sử dụng như một phần bổ sung lành mạnh trong chế độ ăn. Tuyệt đối không thay thế hoàn toàn các nhóm thực phẩm chính như tinh bột, rau củ, đạm động vật. Một chế độ giảm cân hiệu quả và bền vững phải dựa trên sự cân đối giữa ăn uống và vận động hợp lý.”

Việc giảm cân là một quá trình đòi hỏi sự hiểu biết và điều chỉnh khoa học. Lạm dụng bất kỳ loại thực phẩm nào, dù lành mạnh đến đâu, cũng có thể mang lại tác dụng ngược nếu không sử dụng đúng cách. Do đó, người có nhu cầu giảm cân nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp với thể trạng và mục tiêu sức khỏe của mình.

Thanh Trường

comment Bình luận