Chỉ xử phạt vi phạm quảng cáo: Thanh tra Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc có đang ‘nương tay’ cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại Lasbeauty

Mặc dù sản phẩm viên đặt se khít Yoni Hàn Quốc lưu hành ra thị trường có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái. Thế nhưng, Thanh tra Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt về lỗi vi phạm quảng cáo.
16/06/2022 17:59

Sau tuyến bài về Viên đặt se khít Yoni Hàn Quốc lưu hành ra thị trường sai quy định đã được Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đăng tải. Mới đây, ngày 12/05/2022,  Thanh tra Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định xử phạt hành chính số 15/QĐ- XPHC do Chánh Thanh Tra Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Trọng Thủy ký. Theo đó Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu và Thương Mại LasBeauty, địa chỉ khu A, Khu đô thị Nam Đầm Vạc, thành phố. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã bị xử phạt số tiền là 70 triệu đồng với lỗi vi phạm quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.

anh xu ly vi pham

Theo Quyết định xử phạt số 15/QĐ- XPHC cho thấy tại Quyết định này chỉ nêu “xử phạt vi phạm hành chính về mỹ phẩm quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh” đối với Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu và Thương Mại LasBeauty.

xu ly vi pham 2

Thế nhưng, Theo điểm đ, khoản 1, điều 45, Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm: “Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố, hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm có thể bị đình chỉ và thu hồi; Điểm d, khoản 1, điều 46 của Thông từ này cũng quy định, “mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch bản chất tính năng vốn có của sản phẩm” thì bị thu hồi số công bố sản phẩm.

Vậy đối với trường hợp, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu và Thương Mại LasBeauty, quảng cáo sai công dụng của mỹ phẩm gây hiểu nhầm như là thuốc chữa bệnh, được thể hiện tại nhãn sản phẩm hay tại các phương tiện quảng cáo khác. Nếu sai phạm khi quảng cáo sai công dụng đang thể hiện ngay trên nhãn sản phẩm thì tại sao Thanh tra Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc lại chưa có động thái xử lý?

yoni-las-beauty1-1722

Ảnh sản phẩm ghi sai tính năng công dụng trên nhãn sản phẩm so với công bố

Điều đáng nói, trước đó chúng tôi đã thông tin trong các bài viết, về sản phẩm có tên Las Beauty Yoni Detox Cleanser, được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp số công bố 159370/21/CBMP-QLD là mỹ phẩm với mục đích, dùng để rửa, làm sạch bộ phận sinh dục ngoài, sản phẩm không dùng đặt vào bên trong âm đạo, không có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, sản phẩm đang lưu hành trên thị trường có tên nhãn nước ngoài là Yoni Detox Cleanser (tên trên nhãn phụ tiếng Việt là Yoni Detox Cleanser Viên Đặt Se Khít Yoni Hàn Quốc) cũng được in cùng số công bố 159370/21/CBMP-QLD. Có thể nói hiện tại đang diễn ra tình trạng, với hai tên gọi khác nhau đang lưu hành với cùng một số công số. Vậy sản phẩm nào đang lưu hành trái phép? Tại sao Thanh tra Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc lại chưa làm rõ vấn đề này?

Dù bị xử phạt về lỗi quảng cáo, nhưng dường như hệ thống bán hàng của công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu và Thương mại Lasbeauty vẫn đang thách thức pháp luật?

Ngoài ra, trong những bài viết đã đăng tải, chúng tôi đã phản ánh về việc bạn đọc sau khi dùng sản phẩm “Yoni Detox Cleanser Viên Đặt Se Khít Yoni Hàn Quốc” đã gặp tổn hại tới sức khỏe. Nhưng hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề thành phần, chất lượng sản phẩm đã lưu hành ra thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Câu hỏi dư luận đang đặt ra, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc có đang nương tay hay bỏ sót những dấu hiệu sai phạm cốt lõi của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại Lasbeauty trong quá trình thanh tra, xử lý vi phạm hay không?

Từ những căn cứ trên, Chúng tôi kính đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra Bộ Y tế  vào cuộc, làm rõ về Quyết định xử phạt số 15/QĐ- XPHC ngày 12/05/2022 của Thanh tra Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã khách quan, thoả đáng hay chưa. Cũng như làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty TNNH Xuất Nhập Khẩu và Thương mại LasBeauty, từ đó có biện pháp xử lý lịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo!

Tham chiếu theo Khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định “Hàng giả” gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…

 Minh Châu

comment Bình luận

largeer