Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Tết trồng cây” ích nước, lợi nhà

Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Tết trồng cây, qua đó nêu rõ ý nghĩa, mục đích của việc trồng cây, đồng thời khẳng định, “trồng cây gây rừng” là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
15/02/2024 17:16

"Tết trồng cây" là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mỗi độ xuân về. Thời đại Hồ Chí Minh, Tết trồng cây đã trở thành một phong trào được thực hiện rộng rãi trong nhân dân cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, với mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước nhân dịp đầu xuân năm mới.

tet_trong_cay_1

         Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969

Phong trào Tết trồng cây được bắt nguồn từ sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô ngày 20/1/1959. Trong thời gian ở thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự Đại hội lần thứ XXI của Đảng cộng sản Liên Xô. Trong quá trình đón tiếp, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã thông báo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh biết: Liên Xô vừa thành công trong việc cải tạo được một diện tích sa mạc rộng lớn tương đương với diện tích Việt Nam ở vùng Xibia thành một cánh rừng xanh ngút ngàn, và mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Nhưng do điều kiện thời tiết không cho phép, thời gian hạn hẹp, cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến thăm được và chỉ được quan sát khu rừng đó từ trên máy bay.

Sau chuyến thăm Liên xô, khi về nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những suy nghĩ trăn trở là tại sao Liên Xô làm được mà Việt Nam lại không làm được? Tại sao lại không phát động một phong trào "trồng cây gây rừng trong cả nước"? Do vậy, để chuẩn bị cho phong trào “trồng cây gây rừng”, ngày 28/11/1959 với bút danh Trần Lực đăng trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Tết trồng cây", qua đó nêu rõ trách nhiệm của mỗi người trong việc trồng cây gây rừng, phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của phong trào này và đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Người chỉ rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều...Để kỉ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây... " (1)

Theo Người, muốn làm được điều đó thì cần phải có kế hoạch cụ thể: "Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho "Tết trồng cây". Ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây. Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu,..." (2). Nếu chuẩn bị chu đáo cho việc này, thì sau 5 năm (1960 - 1965): "Chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, vừa cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong 10 năm, nước ta phong cảnh ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...". Đồng thời, Người cũng khẳng định, đây là một công việc đơn giản, nhẹ nhàng ai cũng có thể làm được, nhưng mang lại lợi ích thiết thực: "Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia" (3)

  Trên tinh thần đó, từ cuối năm 1959, Bác đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng Tết trồng cây từ ngày 6/1 đến ngày 6/2/1960 và khuyên nhân dân ta cần phải duy trì phong trào này hàng năm. Như vậy, tết năm 1960 là tết đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây. Ngày 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia và trồng cây đa ở Công viên Bẩy Mẫu (nay là công viên Lênin) mở đầu cho phong trào Tết trồng cây. Sau đó Người đã nói chuyện với một số cán bộ và nhân dân trong buổi lễ này, Người nói: "Chúng ta làm đây là làm cho bản thân, cho con cháu mình".

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng hàng năm Bác luôn quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể việc thực hiện Tết trồng cây bằng cách viết các bài đăng Báo, thông qua các bài nói chuyện hoặc đi kiểm tra thực tế công tác trồng cây gây rừng ở tất cả các địa phương. Trong bài: "Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây" đăng Báo Nhân dân số 2198 ngày 25/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi một số địa phương, đơn vị và cá nhân làm rất tốt, đồng thời phê bình một số nơi có thái độ thờ ơ, làm lấy lệ khi trồng cây xong để đấy thiếu sự chăm sóc cây con, không kiên trì tiếp tục phong trào. Trên cơ sở đó, Người kêu gọi: "Chúng ta phải rút kinh nghiệm của đợt một. Phải sửa chữa những khuyết điểm nói trên. Phải có kế hoạch, có hướng dẫn, tìm thêm hạt, ươm thêm giống... Phải: "trồng cây nào tốt cây ấy" (4).

tet_trong_cay_3

        Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Người 

Ngày 25/1/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên cán bộ và nhân dân một số địa phương ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có phong trào trồng cây điển hình trong cả nước. Nói chuyện với đồng bào thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Người căn dặn: "Chủ nghĩa xã hội là mọi người phải cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ. Muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây. Mọi người cố gắng trồng nhiều cây thì trong sáu, bảy năm nữa, cả làng sẽ có đủ cây để làm nhà mới. Trồng cây rồi thì phải ra sức chăm sóc cây, trồng cây nào phải chăm sóc cho cây ấy sống và tươi tốt. Trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích. Cần phải có kế hoạch trồng cây và chăm sóc cây ở đường cái. Cần giáo dục các em thiếu nhi có ý thức bảo vệ cây, chớ để trâu bò phá hoại" (5).

Sáng ngày 5/2/1961, Bác cùng đoàn viên thanh niên ở Hà Nội tham gia trồng cây ở Vườn hoa Thanh niên và công viên Thống Nhất, Người nhắc nhở thanh niên: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây...” (6).

Để động viên tinh thần đoàn kết của nhân dân hai miền Nam - Bắc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, trong bài viết Tết trồng cây ký bút danh T.L đăng trên báo Nhân dân, số 3228 ngày 27/1/1963, lần đầu tiên Bác đã khẳng định việc trồng cây nhân dịp Tết ngoài ý nghĩa về kinh tế, nó còn mang đậm ý nghĩa về chính trị, Người nhấn mạnh: “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn, khi Mỹ - Diệm dùng thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam, ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa” (7).

Trong bài viết “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” với bút danh T.L đăng trên báo Nhân dân, số 3928 ngày 1/1/1965, Bác đã tổng kết sau 5 năm thực hiện Tết trồng cây nhân dân miền Bắc đã đạt được kết quả to lớn, nêu gương những địa phương thực hiện tốt phong trào Tết trồng cây, đồng thời nhắc nhở phê bình những địa phương làm chưa tốt. Đồng thời nêu ý nghĩa của việc trồng cây sẽ góp phần to lớn trong xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đó, Người chỉ rõ: “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây...” (8). Người chỉ rõ vai trò của các cấp chính quyền trong việc duy trì, thúc đẩy phong trào phát triển: “Nơi nào mà các cấp đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ương...), có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng... thì nơi đó có phong trào Tết trồng cây phát triển tốt. Kinh nghiệm đã chứng tỏ điều đó” (9).

Cho đến những ngày cuối đời Bác vẫn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải tiếp tục thực hiện tốt phong trào Tết trồng cây. Ngày 5/2/1969, trong bài viết đăng trên báo Nhân dân số 5411, Người căn dặn: Năm nay chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải đảm bảo trồng cây nào tốt cây đấy, tổ chức một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược"10.

Mùa xuân Kỷ Dậu – 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, các đồng chí lãnh đạo và phục vụ không muốn cho Bác ra ngoài và đề nghị hoãn kế hoạch trồng cây của Bác lại, nhưng Bác vẫn kiên quyết thực hiện. Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”.

Ngày 16/2/1969, mặc dù sức khỏe yếu, nhưng Bác vẫn cố gắng gượng để tham gia Tết trồng cây với nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Trước đông đảo các đại biểu, các tầng lớp nhân dân, Bác đã trực tiếp trồng một cây Đa. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác căn dặn: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi” (11). Tất cả mọi người ai ai cũng xúc động, bùi ngùi và không thể ngờ rằng, đó là mùa xuân cuối cùng và là Tết trồng cây cuối cùng của Bác.

Trước khi "đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin", trong Di chúc mà người để lại cũng không quên căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: "Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi ích cho nông nghiệp" (12).

Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thực hiện tốt những lời căn dặn của Người trong bản Di chúc, hàng năm mỗi dịp xuân về, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây. Tết trồng cây đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân Việt Nam và mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế và quốc phòng, góp phần làm giầu đẹp Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Văn Chương

(1) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập - Tập 9. Nxb CTQG. Hà Nội, tr. 566.

(2) Sđđ, tr.566

(3) Sđđ, tr.566

(4) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập - Tập 10. Nxb CTQG. Hà Nội, tr. 110.

(5) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập - Tập 10. Nxb CTQG. Hà Nội, tr. 258.

(6) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (1996), tập 8. Nxb CTQG. Hà Nội, tr.31.

(7) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử... Sđđ, tr.358.

(8) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập - Tập 11. Nxb CTQG. Hà Nội, tr. 359.

(9) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập - Tập 11. Sđđ, tr. 359.

(10) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập - Tập 12. Nxb CTQG. Hà Nội, tr. 447.

(11) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (1996), tập 10...Sđđ, tr.304.

(12) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập - Tập 12. Sđđ, tr.505.

 

                              

comment Bình luận

largeer