Chuyển đổi số phân phối dược phẩm với nhiều thách thức

Chuyển đổi số để hoạt động phân phối dược phẩm chuyên nghiệp, bài bản, hiệu quả hơn là việc cần làm trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay. phân phối dược phẩm đến nay là một trong những lĩnh vực chuyển đổi số rất chậm, nhiều khó khăn, thách thức.
23/10/2021 20:42

Tham luận tại Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số ngành dược: Lĩnh vực phân phối”, diễn ra sáng ngày 23/10/2021, ông Nguyễn Thành Danh - CEO của Besins Healthcare Viet Nam, nhận xét: Việt Nam hiện có khoảng 3.000 công ty dược lớn, nhỏ khác nhau. Hệ thống phân phối dược phẩm Việt Nam giống như “ma trận”, rất rối rắm, nhiều tầng nấc, phân tán, nhà sản xuất cũng “ôm” phân phối, người tiêu dùng cũng có thể phân phối. Phân khúc phân phối truyền thống bán sỉ (kết nối nhà sản xuất để phân phối, hoặc phân phối lại các sản phẩm từ nhà phân phối khác) cho các nhà thuốc, đại lý được phẩm...) chi phối mạnh.

ban_le_thuoc_2

Đối với phân phối dược phẩm, theo ông Nguyễn Thành Danh, có 3 nhóm vấn đề cần quan tâm, đó là: Luồng hàng hóa sản phẩm; luồng tiền; luồng thông tin. Mỗi luồng có tính chất chuyên môn, công việc và những vấn đề đặt ra khác nhau, nếu không có sự kết nối thông tin, quản lý dữ liệu (nhân sự, hàng hóa, nhà sản xuất, khách hàng, dòng tiền, giá cả… và những vấn đề khác) tốt, sẽ khó có thể vận hành hệ thống phân phối bài bàn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Để làm được tốt các nhóm vấn đề trên, chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm thích hợp cho việc vận hành các công đoạn của qui trình phân phối là cần thiết.

Ông Lưu Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm J.CVI, chia sẻ: Công ty phân phối gần 100 mặt hàng dược. Khi đại dịch Covid-19 tác động khó khăn, J.CVI đã sử dụng các phần mềm vào vận hành bán hàng, hiệu quả xử lý đơn hàng tốt hơn, chính xác hơn, quản lý hàng hóa, nhân sự, tương tác khách hàng, marketing hiệu quả hơn. Ông Hiệp cho biết, tại J.CVIC, mỗi tháng xử lý khoảng 3.000-4.000 đơn hàng dược. Nếu để nhân viên làm thủ công 8 tiếng/ngày, một người chỉ xử lý tối đa được khoảng 100 đơn hàng/tháng, các trình dược viên rất vất vả để tổng hợp số liệu khách hàng, đơn hàng, mặt hàng, dòng tiền, giá cả… Khi ứng dụng phần mềm vào hoạt động, một trình được viên có thể làm đa nhiệm, nhân sự giảm, năng suất lao động tăng, chỉ cần 2-3 người vận hành phần mềm trong vòng vài giờ là đã có thể xử lý xong cả ngàn đơn hàng.

Thừa nhận lợi ích từ chuyển đổi số, song ông Hiệp cũng cho rằng, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số đối với J.CVI ban đầu, là không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Nhờ kiên trì, quyết tâm chuyển đổi, J.CVI cũng đã thu được những kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Thành Danh, khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực phân phối dược phẩm rất chậm. Nguyên nhân ngoài yếu tố nhận thức, văn hóa chuyển đổi, thì các hình thức phân phối truyền thống, trực tiếp (chợ bán sỉ), phân tán, nhỏ lẻ vẫn chi phối rất mạnh. Mặc dù Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phân phối dược phẩm phát triển tốt hơn, song đến nay, vẫn chưa có một đơn vị phân phối dược nào của Việt Nam có đủ năng lực, qui mô, tính chuyên nghiệp để cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài. Các đơn vị phân phối dược nhỏ, lẻ vẫn hoạt động được, là nhờ có sự bảo hộ về pháp lý trong lĩnh vực này.

Hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng, chuyển đổi số diễn ra nhanh và trong bối cảnh kinh tế số, xã hội số, tính kết nối giữa các chủ thể kinh tế ngày càng cao, thị trường ngày càng mở, nếu không có hướng đi thích hợp, các doanh nghiệp phân phối dược nhỏ, lẻ, sớm muộn cũng sẽ chết. Hướng đi cho lĩnh vực phân phối dược tại Việt Nam, là cần liên kết hình thành một số công ty, tập đoàn lớn, có đủ năng lực, đủ nguồn hàng và sức cạnh tranh để phát triển, dẫn dắt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động phân phối dược để nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, giảm chi phí.

Chuyển đổi số thế nào, thì bản thân các doanh nghiệp phân phối dược phẩm trước tiên cần phải đổi mới nhận thức, tư duy, có quyết tâm cao, tùy vào qui mô, định hướng phát triển của mình để lựa chọn các giải pháp chuyển đổi phù hợp… Theo ông Danh, trang bị cho nhân viên điện thoại thông minh, Ipad, máy tính… và tạo ra môi trường kết nối làm việc mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện, hiệu quả… cho họ, cũng đã chuyển đổi số bước đầu thành công. Cao hơn thì từng bước trang bị (mua) các phần mềm tốt và đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu và nâng cấp chuyển đổi thành doanh nghiệp số.

Được biết, Bộ Y tế mới đây cũng đã có những hướng dẫn về việc triển khai kết nối liên thông cơ sở bán buôn thuốc, cụ thể là Quyết định số 318/QĐ-QLD, ngày 4/6/2021, ban hành chuẩn kết nối dữ liệu phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở phân phối thuốc; Quyết định 3597/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 sủa đổi, bổ sung một số điều của Qui chế tạm thời quản lý, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 412/QĐ-BYT ngày 14/2/2020. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực phân phối dược phẩm thực tế cho thấy vẫn còn là một con đường rất dài, nhiều thách thức về thay đổi tư duy, mô hình phân phối, nguồn nhân lực có đủ kiến thức chuyên sâu... cũng như hành lang pháp lý về thu nhận, phân tích và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến chuyển đổi số chung và ngành dược nói riêng vẫn chưa rõ ràng.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Minh An

comment Bình luận

largeer