Nghiên cứu thuốc ức chế virus SARS-CoV-2 từ thảo dược

Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta, PGS, TS Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã bắt tay nghiên cứu thuốc ức chế virus SARS-CoV-2 từ thảo dược có tác dụng liên kết mạnh với các phân tử liên quan quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2. Đến nay, nhóm đã tạo ra sản phẩm viên nang cứng.
26/07/2021 06:44

Bước đầu nghiên cứu thành công thuốc ức chế virus

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus H5N1 và SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Nhóm nghiên cứu đang đề nghị Bộ Y tế cho thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh COVID-19. PGS, TS Lê Quang Huấn cho biết, nhóm đã sử dụng công nghệ sinh học mới để sàng lọc 28 hoạt chất chính có trong các thảo dược tác dụng theo các cơ chế khác nhau: Phong tỏa protein S của virus SARS-CoV-2 và thụ thể ACE2 trên tế bào chủ để ngăn chặn sự tiếp xúc và xâm nhập của virus vào tế bào; ức chế enzyme liên quan quá trình nhân lên của virus; kích hoạt các tế bào hệ miễn dịch của người bệnh. Các cơ chế này cộng hưởng tác động đem lại hiệu quả cho phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19.

1596015706836-mo-ta-cong-viec-ky-su-cong-nghe-sinh-hoc-1

Theo PGS, TS Lê Quang Huấn, việc Việt Nam nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2 đã mở ra cơ hội cho nghiên cứu phát triển thuốc phòng và điều trị và kết quả nghiên cứu của nhóm là sản phẩm đầu tiên được thử nghiệm trên virus SARS-CoV-2.

Một số viện nghiên cứu, doanh nghiệp cũng bắt đầu nghiên cứu về các tác nhân chống virus SARS-CoV-2 từ các nguồn tự nhiên và tổng hợp. Viện Dược liệu đã biên soạn, giới thiệu 71 dược liệu, cây thuốc, vị thuốc cổ truyền được sử dụng trong phòng, hỗ trợ điều trị virus SARS-CoV-2 và sắp tới bổ sung, giới thiệu thông tin của 100 vị thuốc, cây thuốc. Theo PGS, TSKH Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu, đơn vị đã và đang tích cực triển khai các nghiên cứu tìm kiếm các hoạt chất phòng, chống virus SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch, đồng thời đã nộp hồ sơ đăng ký thuốc XUYÊN TÂM LIÊN VDL dạng viên nang và sản phẩm bảo vệ sức khỏe COVINIMM dạng viên nén để sản xuất phục vụ phòng, chống dịch.

Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công quy trình tổng hợp nguyên liệu làm thuốc Favipiravir và tiếp tục hoàn thiện, nâng quy mô quy trình tổng hợp; Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cũng định hướng nghiên cứu thuốc ức chế virus và hỗ trợ điều trị COVID-19. Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu thuốc kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19...

Cơ quan quản lý cũng đã triển khai một số hoạt động nhằm phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19. Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành y học cổ truyền và thống nhất đưa ra 15 sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 theo từng giai đoạn bệnh. Đến nay, đã cung cấp để chống dịch tại các điểm nóng như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và hướng dẫn các cơ sở sử dụng thuốc theo dõi, đánh giá tác dụng của thuốc.

Trong đợt bùng phát dịch tại tỉnh Bắc Giang, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã dùng bài thuốc “Ngân Kiều tán” dưới dạng thuốc sắc để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân; theo số liệu báo cáo theo dõi sơ bộ thì số bệnh nhân chuyển biến nặng giảm nhiều so với các bệnh nhân không được dùng thuốc này.

Cần chiến lược tổng thể, khoa học và chính sách đặc thù

Theo các nhà khoa học, nhìn chung việc tiếp cận nghiên cứu, sản xuất thuốc của Việt Nam chậm so với các nước trong khu vực, trong khi chúng ta rất có tiềm năng. PGS, TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, từ năm 2020, các nhà nghiên cứu của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan đã quan tâm đến thuốc dược liệu hỗ trợ điều trị COVID-19.

Đó là sử dụng một số bài thuốc cổ truyền chữa cảm cúm thông thường để sắc, nấu cao, bào chế dạng cốm hoặc nghiên cứu, phát triển các bài thuốc đó thành thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và công bố hơn 30 hoạt chất từ thảo dược có tác dụng ức chế phát triển của virus SARS-CoV-2, trong đó một số hoạt chất chiết xuất từ dược liệu sẵn có trong nước: Như andrographolide, berberin, curcumin, artemisinin, baicalein...

Đáng chú ý, andrographolide là chất có trong cây xuyên tâm liên đã được các tác giả Thái Lan nghiên cứu sử dụng đại trà trong phòng, chống virus SARS-CoV-2, trên cơ sở đó, Bộ Y tế Thái Lan đã khuyến cáo sử dụng độc lập hoặc kết hợp các loại thuốc hiệu quả khác chống lại virus SARS-CoV-2.

Trước tình hình virus SARS-CoV-2 xuất hiện nhiều loại biến thể mới, thuốc là yếu tố bổ sung quan trọng cho các loại vaccine hiện có để phòng và chống đại dịch. Do đó cần thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19. Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết, việc sử dụng thuốc y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 là rất cần thiết. Cục đã phối hợp Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) có phương án cụ thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi trình sản phẩm lên Bộ Y tế đánh giá.

Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, hay doanh nghiệp mà cơ quan quản lý cần có chiến lược tổng thể, khoa học, có cơ chế đặc thù, yêu cầu hoặc đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu, đồng thời huy động nguồn lực cho nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm lâm sàng.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Duy Linh

comment Bình luận

largeer