Chuyên gia giải đáp thắc mắc về dinh dưỡng

Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi chúng ta. Hiện nay ở Việt Nam, trên 70% số ca tử vong từ bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng. Dưới đây, BS.CKI Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM sẽ giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề dinh dưỡng.
16/09/2021 18:10

Câu hỏi: Bác sĩ ơi, con nhà em 8 tháng dị ứng với thịt heo, thị bò mà giờ ngăn sông cấm chợ hầu như em không mua được cá với hải sản cho bé ăn dặm, có cũng là hàng đông lạnh nên không an tâm. Bây giờ em có thể giảm lượng ăn dặm của con xuống cho con uống bù sữa được không bác sĩ? Cũng mong bác sĩ tư vấn thêm vài loại thực phẩm khác có thể nấu ăn dặm cho trẻ dị ứng có nhiều chất dinh dưỡng như thịt heo, thịt bò mà dễ mua mùa này ạ? Cảm ơn bác sĩ?

diungtreem

Đầu tiên bạn cần xác định chính xác con có bị dị ứng thịt heo, thịt bò hay không? Con có những biểu hiện nào khi gì khi ăn thịt heo, thịt bò. Ví dụ, những phản ứng dị ứng như nổi mề đay, mẩn đỏ trên người, hoặc tiêu chảy, đi tiêu phân máu...; có thể là con khó thở, lên cơn suyễn, khò khè; phù lên... Đó là những biểu hiện cụ thể của dị ứng thức ăn. Khi con ăn lại thức ăn đó lần thứ 2 sẽ có biểu hiện lặp lại, còn không ăn thì không bị. Nếu đúng vậy mới gọi là dị ứng thực phẩm. Còn nếu như con ăn nhiều lần mà khi có khi không biểu hiện nổi mề đay, thì chưa chắc đã dị ứng thực phẩm đó. Nguyên nhân có thể bữa đó, ba mẹ mua trúng thịt bò ướp hóa chất, mà con có thể dị ứng với một thành phần nào đó, chứ lỗi không phải do thịt bò, thịt heo.

Đối với bé 8 tháng tuổi, tôi ít thấy bé nào mà dị ứng cả hai thứ như vậy cả. Mẹ cần xem lại có lần nào con ăn thịt heo, thịt bò mà không có biểu hiện dị ứng hay không? Nếu có như vậy thì bây giờ mẹ nên tập cho con ăn, thử xem có phải dị ứng hay không. Nếu mà lần dị ứng trước con chỉ nổi mề đay nhẹ hay tiêu chảy thôi, thì mẹ nên thử lại một chút xíu để xem có tiếp tục dị ứng hay không, hoặc tư vấn bác sĩ, tư vấn kỹ hơn về biểu hiện tại sao mẹ cho là dị ứng.

Nếu trẻ không thể ăn thịt heo, thịt bò thì đó là thiệt thòi của con, vì đây là những thực phẩm phổ biến, nhiều chất dinh dưỡng và có thể nấu được nhiều món ngon cho con ăn.

Đặt trường hợp là con dị ứng thịt heo, thịt bò, không thể cho ăn được, thì mẹ có thể thay thế thực phẩm giàu đạm khác như là cá, trứng, tôm, đậu hũ, thịt gà... thay thế bữa ăn cho bé. Đạm trong sữa cũng khá tốt, giá trị sinh học rất là cao. Đối với bé 8 tháng vẫn uống sữa nhiều, lượng ăn vẫn là cần thiết, không thể uống sữa thay được. Cho nên, với bé 8 tháng, nên con ăn cháo, bột, 1 - 2 bữa/ngày. Mỗi bữa khoảng nửa chén 100ml bột, trong đó mẹ lấy muỗng ăn phở, đong khoảng 1 muỗng thịt gà/cá/trứng/tôm (tức 1 muỗng thực phẩm giàu đạm) trong nửa chén bột của con. Vậy là đủ lượng đạm ăn trong 2 bữa . Nên thay đổi 2 món khác nhau. Còn sữa, thì con vẫn uống 150ml, 4-5 lần/ngày, có thể cả cữ bú đêm đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, ba mẹ cần theo dõi sự phát triển cân nặng chiều cao của con, có đảm bảo đúng độ tuổi hay không? Chẳng hạn, bé trai 8 tháng tuổi nặng trung bình 8,6 kg. Nếu con dưới 6,9 kg là con đang bị suy dinh dưỡng, phải cho con đi khám sớm. Chiều cao phải được 71cm, nếu dưới thì kết luật không đủ dinh dưỡng để phát triển chiều chiều cao. Với bé gái thì khoảng 8kg, chiều cao khoảng 69cm. Nếu cân nặng và chiều cao của con thấp hơn chuẩn thì nên cho bé đi khám.

Câu hỏi: Chồng em hay tập gym, mấy nay phòng tập đóng cửa, nên ở nhà tự tập. Chồng em không dám ăn, sợ béo lên, mai mốt tập mệt. Như vậy là ảnh hưởng đến sức đề kháng đúng không bác sĩ. Em có khuyên mà chồng không nghe. Bác cho em xin chế độ ăn cho người tập gym mùa giãn cách này với nha bác. Em cảm ơn bác.

dinhduongchonguoitapgym

Thường thì tập ở nhà không đạt được cường độ và năng suất như phòng gym. Tất nhiên là khi mình vận động ít hơn thì nên ăn ít hơn. Còn nếu vẫn ăn chế độ trước giãn cách, thì rõ ràng năng lượng nạp vào sẽ dư, cơ thể sẽ dễ bị tạo mỡ, dễ lên cân. Chồng bạn nên có một chiếc cân trong nhà, để tiện theo dõi cân nặng của mình thường xuyên.

Trong cơ thể, cân nặng bao gồm tất cả khối cơ, khối xương, khối mỡ. Khi đi tập gym thì khối cơ nhiều, nặng; còn khi ít tập, cơ sẽ teo, nhão dần. Do đó cân nặng cũng sẽ giảm theo. Nhưng nếu ăn nhiều thì phần năng lượng dư sẽ chuyển thành mỡ, nên đôi khi mình cân sẽ thấy sụt cân xuống, mà thật ra là giảm cơ và tăng mỡ, cơ thể sẽ thấy nhão nhoẹt, lỏng lẻo, không săn chắc. Nên, cần lưu ý khi tập ít thì chúng ta sẽ cần ăn ít hơn. Lưu ý vẫn cần phải đủ đạm, ít nhất là 50 gram thịt cá mỗi bữa. Tối đa là 120 gram thực phẩm giàu đạm trong 1 bữa ăn. Khi ít tập, thì giảm lượng cơm xuống. Ví dụ bình thường ăn 1,5 chén cơm thì bây giờ ăn 1 chén. Vẫn ăn đủ lượng rau khoảng 100 gram, tương đương 1 chén rau (không tính nước). Sau đó, cần theo dõi cân nặng có tăng hay giảm không để tiếp tục điều chỉnh.

Lưu ý để vận động tăng sức đề kháng thì khuyên bạn phải vận động khoảng 30 phút/ngày. Khi chạy bộ hay đi bộ nhanh, nhịp tim và nhịp thở tăng, nói chuyện hổn hển, mặt hồng hào, nhiều mồ hôi... thì mới có hiệu quả, kích thích và tăng miễn dịch cho cơ thể. Chứ nếu chúng ta luyện tập quá nhẹ nhàng, không ra mồ hôi, không thở nhanh thì không có hiệu quả.

Duy trì thời gian tập luyện 30 phút/ngày, có thể chia thành 2 lần, sáng và chiều 15 phút, tập ít nhất 5 lần/tuần. Nếu tập quá ít như 2-4-6 hay 3-5-7 thì không đủ tần suất, không có lợi.

Lời khuyên nói chung bạn cần đảm bảo 150 phút/tuần để đạt được sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, muốn tập eo thon hay phát triển cơ nào đó thì cần cố gắng tập nhiều hơn.

Câu hỏi: Liều lượng vitamin C của mỗi người cần hằng ngày có khác nhau không ạ? Chị gái em cho con mình uống cả C sủi lẫn ăn cam chanh và các rau lá xanh thì có hợp lý không ạ, về lâu dài có gây hại gì không, thưa bác sĩ?

csuicamchanh

Nhu cầu vitamin C có thay đổi theo lứa tuổi. Trẻ em cần 50 - 70 mg, người lớn thì cần 70 - 100 mg. Có thể hiểu, một ngày trung bình cơ thẻ cần 100 mg vitamin C. Để đạt lượng vitamin C này chúng ta cần ăn khoảng 200g trái cây/ ngày. Ví dụ như sáng ăn 1 trái ổi, chiều ăn 1 trái quýt hay sáng ăn trái chuối, chiều ăn nửa trái thanh long...

Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây tươi, nên chỉ cần ăn trái cây tươi hàng ngày, cơ thể vẫn đảm bảo lượng đủ lượng nhu cầu vitamin C hằng ngày. Trong rau xanh cũng có vitamin C, nhưng nếu rau qua bảo quản hoặc luộc chín thì lượng vitamin C không còn nữa.

Lưu ý, nếu cơ thể đang có bệnh, bị nhiễm trùng, hoặc đang sắp nhiễm bệnh do hằng ngày tiếp xúc với nhiều loại virus từ môi trường xung quanh, thì cơ thể phải có sức đề kháng. Để có sức đề kháng thì cần có nguyên liệu để tạo nên kháng thể liên tục. Nhu cầu vitamin C vì vậy cũng cần liên tục. Trong trường hợp mà ô nhiễm nhiều, nhu cầu vitamin C có thể tăng cao gấp đôi, gấp ba, cho nên chúng ta cần nạp khoảng dưới 500 mg/ngày. Ví dụ, hàng ngày dùng 1 viên C sủi 1g tương đương 1000 mg, gấp 10 lần nhu cầu vitamin C hằng ngày. Nếu bị bệnh cần tăng nhu cầu vitamin C, có thể uống ½ hoặc ¼ viên là đủ.

Nếu dùng vitamin C liều cao liên tục sẽ làm lượng vitamin B12 gây thiếu máu, ảnh hưởng đến hệ bài tiết, tiết niệu. Vitamin C axit hóa gây sỏi thận ở một số cơ địa, cho nên cần nhận biết là nếu nhiều quá cũng không tốt. Vitamin C vào cơ thể hằng ngày từ thức ăn, thỉnh thoảng lúc bệnh thì bổ sung thêm, không ăn trái cây thì uống thêm vitamin C với liều vừa phải, không nên sử dụng thường xuyên.

Khuyến cáo dinh dưỡng trong mùa dịch của tôi, tốt nhất và an toàn nhất chúng ta nên ăn trái cây tươi, trung bình 200g trái cây với 2 loại khác nhau. Thỉnh thoảng nếu món nào hợp khẩu vị, thì có thể ăn 300 - 500g trái cây trong một ngày thì cũng có thể chấp nhận được. Đừng nên ăn nhiều quá không có lợi.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer