Chuyên gia khuyến cáo cách phòng bệnh cho người cao tuổi khi thời tiết giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết trở nên “khó chịu” hơn khi nóng – lạnh, nắng – mưa thất thường khiến cơ thể con người chưa kịp thích nghi ngay nên rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, hệ miễn dịch đã suy giảm thì nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết giao mùa thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Vì thế, vào những ngày này, người cao tuổi cần phải tăng cường sức khỏe để phòng tránh bệnh tật.
29/11/2023 16:36

1. Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi thời tiết giao mùa

Các bệnh về hô hấp

Đường hô hấp khá nhạy cảm với thời tiết hanh, khô, lạnh hoặc ẩm thấp nên trong điều kiện thời tiết như vậy, đường hô hấp thường mắc các bệnh như: viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… nhất là những người có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu bia.

Nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp không có biểu hiện điển hình của bệnh như không sốt, ho ít, ít có khả năng khạc đờm nên dễ bị bỏ sót dẫn đến tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp và bệnh chỉ được phát hiện khi đã trở nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người cao tuổi.

f1 (1)

Khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường, người cao tuổi nên đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ y tế kịp thời

Các bệnh về tim mạch, huyết áp

Như chúng ta đã biết, tỉ lệ người cao tuổi mắc các bệnh lý về tim mạch thường cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Đặc biệt, thời tiết trở nên thất thường lúc nắng, lúc mưa cũng là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh về tim mạch tăng cao như tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…

Bên cạnh đó, vào mùa lạnh, khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, những người mắc bệnh về tim mạch nếu không giữ đủ độ ấm sẽ dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các bệnh về cơ – xương – khớp

Theo thống kê, có đến hơn 90% người cao tuổi ở Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến xương khớp gây đau nhức, vận động khó khăn. Bởi lúc này, cơ thể của người cao tuổi đã có sự lão hóa, suy giảm chức năng, các cơ khớp trở nên kém linh hoạt, dễ bị tổn thương.

Các bệnh lý về xương khớp như: viêm khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, bệnh gút,… khiến người cao tuổi cảm thấy đau đớn, khó chịu, gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

2. Cách phòng bệnh cho người cao tuổi khi thời tiết giao mùa

Sức đề kháng của người cao tuổi ngày một kém dần, chính vì thế, khi thời tiết giao mùa họ thường bị các loại vi khuẩn, virus gây bệnh “tấn công” một cách dễ dàng. Vì vậy, người cao tuổi cần chú ý để phòng tránh những “biến đổi” về sức khỏe có thể xảy ra lúc thời tiết chuyển mùa.

- Giữ ấm cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Bởi đó chính là một trong những yếu tố nguy hiểm nhất có thể gây nên đột quỵ. Người cao tuổi cần giữ ấm đầu, ngực, cổ, bàn chân; hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, không nên dậy quá sớm để ra ngoài tập thể dục, mà thay vào đó, có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.

- Đối với người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính hoặc bị tai biến mạch não, người nhà thường xuyên hỗ trợ giúp vỗ lưng để tránh gây ứ đọng dịch tiết hô hấp, giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

- Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… cần bỏ thuốc lá, thuốc lào và không sử dụng rượu bia.

- Ngoài ra, người cao tuổi dễ bị cứng khớp, khó cử động khớp cổ tay, bàn tay, cổ chân. Để giảm đau, cần xoa bóp và thường xuyên vận động nhẹ nhàng.

- Tập luyện đều đặn mỗi ngày giúp cơ thể dẻo dai, khí huyết lưu thông cũng như tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp và giảm đường huyết, mỡ máu…

- Bên cạnh đó, người cao tuổi nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau vào các bữa chính, không nên bỏ bữa, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối gây đầy hơi, chướng bụng.

Đặc biệt, để phòng bệnh một cách hiệu quả cho người cao tuổi cũng như tăng cường sức đề kháng một cách tự nhiên, bên cạnh chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ thì người cao tuổi cần chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh như cúm mùa, phế cầu….

Theo lời khuyên từ bác sĩ, người cao tuổi có những đặc thù riêng về tâm lý và sức khỏe nên khi có các dấu hiệu bất thường, người cao tuổi cần được đưa cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Điều này sẽ giúp kiểm soát và phát hiện bệnh nhanh chóng, tránh để lại những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Ths.BS Vũ Thị Nhinh, Khoa Nội 4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

comment Bình luận

largeer