Ba trụ cột cho tăng trưởng bền vững: Số hóa, xanh hóa, thể chế hóa

Diễn đàn khoa học cấp quốc gia đã đặt nền móng cho việc định hình mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045. Những chuyển biến nhanh chóng của thế giới đòi hỏi Việt Nam phải bứt phá bằng cải cách thể chế, phát triển khoa học - công nghệ và chuyển đổi xanh.
16/07/2025 23:18

Ngày 15/7 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề: “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045”. Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp tham dự.

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và rủi ro hiện nay, mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp, đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, công nghệ, môi trường, thậm chí cả địa chính trị-những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển.

Empty

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh Phó - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn tại diễn đàn

Theo nhận định chung của các diễn giả, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đang bộc lộ những giới hạn rõ rệt. Việc phụ thuộc vào vốn đầu tư và lao động giá rẻ đang khiến năng suất biên giảm dần, đặt nền kinh tế trước nguy cơ mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”. Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc theo hướng “gần chuỗi”, “bạn bè đáng tin cậy” (friend-shoring), cùng với các rào cản xanh mới như thuế carbon, tiêu chuẩn ESG từ EU và các nước phát triển.

Sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trong các lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo... khiến Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng một cách căn bản, toàn diện và bền vững.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến thống nhất rằng mô hình tăng trưởng mới cần đặt trọng tâm vào ba trụ cột chính: khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh – tuần hoàn, và thể chế kinh tế hiện đại.

Empty

Quang cảnh diễn đàn 

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tăng trưởng trong tương lai không thể dựa vào mở rộng quy mô sản xuất mà phải nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Muốn vậy, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh kinh tế xanh sẽ là hướng đi không thể đảo ngược. “Chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Việt Nam bước lên nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông nói.

Về mặt thể chế, nhiều ý kiến kêu gọi cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chủ đạo của tăng trưởng.

Một điểm sáng nổi bật tại diễn đàn là nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và chuyển đổi số. Nhiều chuyên gia cho rằng trong kỷ nguyên số, quốc gia nào kiểm soát được dữ liệu, quốc gia đó kiểm soát được tương lai.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng: “Cần có một chiến lược tổng thể để phát triển dữ liệu như một tài sản quốc gia, phục vụ cho việc hoạch định chính sách, nâng cao năng suất và quản lý xã hội hiệu quả.”

Các tham luận cũng đề cập đến việc cần xây dựng hạ tầng số đồng bộ, phát triển các doanh nghiệp công nghệ nội địa, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số.

Diễn đàn là một trong những bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mục tiêu được xác định rõ: đến năm 2030, TFP đóng góp tối thiểu 55% vào tăng trưởng GDP; đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Ban tổ chức cho biết toàn bộ ý kiến, tham luận tại diễn đàn sẽ được tổng hợp, phân tích và trình Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan như một tài liệu tham khảo quan trọng trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn mới.

Nguyễn Nghị

comment Bình luận