Chuyên gia khuyến cáo những loại thực phẩm giúp chữa lành phổi, tốt cho hệ hô hấp của người cao tuổi

Trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa như hiện nay người cao tuổi cần chú ý nâng cao sức khỏe, bảo vệ hệ hô hấp. Các loại thực phẩm sau đây giúp chữa lành phổi, tốt cho hệ hô hấp:
09/11/2022 11:16

Những thực phẩm tốt cho hệ hô hấp

Người cao tuổi cần ăn các loại thực phẩm tốt cho hệ hô hấp như các loại trái cây, rau xanh chứa nhiều vitamin, ăn đủ các chất dinh dưỡng như đường đạm, mỡ. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên sử dụng các loại thực phẩm có tính chữa bệnh hoặc hỗ trợ chữa bệnh như tỏi, gừng, tía tô, ngải cứu, mật ong…

Empty

(Ảnh minh họa)

Trái cây và rau xanh là những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Chất oxy hóa có trong các loại rau củ và trái cây có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại sự tấn công của bệnh tật, trong đó có các bệnh lý viêm đường hô hấp. Đặc biệt, ăn nhiều các loại trái cây, rau quả có nhiều màu sắc như ớt chuông đỏ, ớt chuông vàng, cà chua, củ cải đường, cà rốt, đu đủ, lựu… cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể, làm cho hệ miễn dịch ngày càng tốt hơn.

Rau củ cũng là nguồn cung cấp vitamin C phong phú, giúp cho đường hô hấp được sạch, chống viêm và có lợi trong việc điều trị viêm đường hô hấp. Các loại rau củ có nhiều vitamin C như kiwi, cam, chanh, rau lá xanh, bông cải xanh…

Tỏi là gia vị quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Tỏi có tính kháng khuẩn và kháng virus mạnh mẽ nên rất hiệu quả trong phòng và trị các bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài việc sử dụng tỏi như một gia vị trong việc xào, nấu các món ăn, nếu có thể chịu được vị hăng và cay, có thể ăn tỏi sống thay vì chế biến. Đây cũng là cách tốt để tăng miễn dịch, ngừa cảm cúm.

Cũng giống như tỏi, gừng có chứa các hợp chất kháng virus nên có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa cũng như điều trị hiệu quả các bệnh về đường hô hấp, long đờm, kháng viêm… Ngoài ra, ăn gừng cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên. Có thể dùng gừng để làm gia vị cho các món ăn hàng ngày, ngâm gừng với mật ong hay pha trà gừng uống mỗi ngày cũng sẽ rất hiệu quả.

Empty

Mật ong chứa hàm lượng lớn kháng viêm và kháng khuẩn, được coi là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên tốt nhất giúp ngăn ngừa các virus, vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, mật ong cũng có tác dụng làm ấm và dịu cổ họng, giảm ho, long đờm hiệu quả. Có thể sử dụng trà mật ong với ít nước cốt chanh, hay siro mật ong như: Lá hẹ hấp mật ong, húng chanh hấp mật ong, quất (tắc) hấp mật ong. Nên uống vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ để có công dụng tốt nhất.

Một chế độ ăn đủ đạm sẽ giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và nhanh lành bệnh. Chất đạm có nhiều trong các loại thực phẩm như: Thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu/đỗ. Mỗi người cần ăn 5-6 phần đạm/ngày. Mỗi phần đạm tương đương 40g thịt/cá/tôm, 1 quả trứng gà/vịt, 1 bìa đậu phụ, 1 cốc sữa. Nên phối hợp đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, bổ sung chất đạm từ cả nguồn động vật và thực vật cung cấp cho cơ thể mỗi ngày. Cá là một loại thực phẩm tốt cho người cao tuổi.

Uống nhiều nước giúp hạn chế khô cổ, làm loãng đờm để dịch đờm được tống xuất ra ngoài dễ dàng hơn. Duy trì bổ sung đều đặn 2 - 3 lít nước mỗi ngày, bao gồm: Nước lọc, trà, sữa, nước ép trái cây, canh rau sẽ giúp mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã có biến chứng tâm phế mạn thì cần bổ sung nước vào cơ thể theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Ngoài ra có thể sử dụng nước ép tỏi tươi để nhỏ mũi hàng ngày cũng có tác dụng ngừa cảm cúm rất tốt. Hoặc làm siro tỏi ngâm mật ong cũng giúp nâng cao miễn dịch, phòng chống bệnh tật.

Trà gừng là một trong những phương pháp trị ho và cảm lạnh đơn giản tại nhà. Trà gừng có đặc tính chống viêm, kháng virus, loại bỏ các độc tố ra khỏi đường hô hấp. Gừng cũng nổi tiếng với chức năng cải thiện khả năng miễn dịch, tiêu hóa, điều trị hen suyễn, giảm đau, phòng ngừa bệnh tim mạch,... Bên cạnh đó, loại trà thảo dược này còn có các loại khoáng chất như kali, magie, kẽm và beta carotene và vitamin C. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất gừng có thể hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư phổi.

Những thực phẩm cần hạn chế

- Hạn chế lượng muối ăn vào vì sẽ gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng cho tim. Không nên ăn các thực phẩm có nhiều muối (đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối sẵn…).

- Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có gas, những thực phẩm dễ gây đầy bụng vì làm tăng thể tích dạ dày gây khó thở cho bệnh nhân (củ cải, ớt xanh, dưa cải, táo, ngô, hành tây, dưa chuột, dưa hấu…).

- Hạn chế các thực phẩm chiên rán như khoai tây, thịt xiên nướng… là nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở khi ho.

- Người bệnh viêm đường hô hấp không nên uống rượu và hút thuốc vì sẽ gây kích thích niêm mạc đường hô hấp, tạo ra viêm nhiễm, dẫn đến ho khạc, nhiều đờm

Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ

Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calorie nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường.

Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người già khó hấp thu.

Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calori và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể là nguyên nhân mất ngủ do đầy bụng chướng hơi, do đi tiểu nhiều. Tuyệt đối không dùng rượu để "chống rét" vì rượu gây dãn mạch, khi ra ngoài lạnh rất nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer