Chuyên gia khuyến cáo uống rượu bia đúng cách trong những ngày Tết

Theo nhiều nghiên cứu, rượu, bia nếu uống một lượng phù hợp sẽ có lợi cho sức khỏe như ngăn ngừa bệnh tim mạch, giảm nguy cơ bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, uống nhiều bia, rượu có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe như làm giảm hoạt động của não bộ, bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, gây loét, viêm, thủng và chảy máu trong dạ dày. Đặc biệt, bia, rượu là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về gan.
01/02/2022 15:30

Quá trình chuyển hóa, hấp thu bia, rượu của cơ thể

Theo BSCKII Vũ Trường Sơn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, khi một người uống rượu, bia, nó sẽ được hấp thu trực tiếp 30% vào máu đi qua dạ dày, 80% di chuyển qua ruột non chỉ trong vòng 30-60 phút. Nếu dạ dày hoàn toàn trống, bia, rượu sẽ được hấp thu nhanh hơn nhiều so với khi dạ dày có thức ăn.

Sau khi được hấp thu, bia, rượu sẽ được chuyển hóa 90% tại gan, lượng ít còn lại (khoảng 5 -10%) được thải ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Sau đó, rượu bia vào máu và di chuyển liên tục đến khắp các mô tế bào và các cơ quan khác trong cơ thể.

165334_12a-191556825

(Ảnh minh họa)

Khi 90% bia rượu tập trung tại gan, cơ quan này sẽ sử dụng một loại men xúc tác có tên là Nicotintamid Adenin Dinucleotid (NAD) để thực hiện quá trình chuyển hóa, giải độc. Nhưng men NAD do gan sản sinh ra với số lượng không nhiều, đủ để chuyển hóa một lượng bia rượu vừa phải trong thời gian ngắn.

Bác sĩ Trường Sơn cho hay nếu uống quá nhiều bia rượu, gan sẽ không sản xuất đủ men NAD để chuyển hóa. Từ đó, bia rượu sẽ bị ứ đọng lại trong cơ thể, gây độc cho các cơ quan nội tạng, nặng nề nhất là gan. Bạn uống chưa say nhưng khi bia rượu vượt quá khả năng đào thải của gan cũng gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Thuốc giải rượu không thực sự "giải rượu"

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giải rượu khác nhau. Chúng được quảng cáo làm giảm say rượu, đau đầu, mệt mỏi, bảo vệ tế nào gan. Các viên thuốc này có thành phần tương tự nhau, chủ yếu gồm đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic.

Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho biết thực chất chúng là thực phẩm chức năng. Các loại "thuốc" này được công bố là làm tăng tốc độ chuyển hoá rượu thành CO2 và nước, như vậy cơ thể sẽ bị ít độc tính hơn. Tuy nhiên, tác dụng đó không được chứng minh rõ ràng.

Lầm tưởng công dụng của "thuốc giải rượu" nên nhiều người thoải mái uống mà không biết rằng gan không được bảo vệ giống như quảng cáo. Khi cả rượu và "thuốc" cùng lúc được chuyển hóa qua gan làm tăng gánh nặng cho gan, tăng nguy cơ như suy gan, xơ gan, ung thư gan.

Uống rượu đúng cách

Theo PGS.TS Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của rượu với nồng độ cồn thấp khi tiêu thụ hàm lượng cồn dưới ngưỡng 20 gram mỗi ngày. Tuy nhiên, một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện để tìm ra ngưỡng an toàn đối với rượu được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018, cho thấy ngưỡng an toàn khi sử dụng đồ uống là zero (không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu).

Như vậy, để bảo vệ sức khỏe, bạn không nên uống rượu bia. Khi uống, người dân nên cân nhắc và uống đúng cách để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe:

- Liều lượng: Bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Lượng cồn tiêu thụ được tính toán dựa trên nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống. Cụ thể theo công thức tính sau:

Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi).

Một đơn vị rượu là 10 g cồn tương đương 3/4 lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky. Nếu uống cần hạn chế: đối với nam: ≤ 2 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.

- Uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miêng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu.

- Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước canh và đồ ăn, đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Bạn nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

- Không nên uống rượu lúc đói: Uống rượu khi đói làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét và chảy máu dạ dày.

- Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga, bia): lượng ga tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu.

- Không nên sử dụng rượu với Aspirin: Aspirin là một loại thuốc giảm đau, chống viêm. Khi uống rượu có thể gây đau đầu nên một số "cao thủ rượu" đã uống Aspirin trước khi uống rượu để tăng tửu lượng. Đây là điều rất nguy hiểm vì Aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh.

- Không nên uống rượu với caffeine: Rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều.

Caffeine cũng dẫn đến nhức đầu, bồn chồn, kích động, các vấn đề về dạ dày và hơi thở bất thường. Nếu sử dụng caffeine để "tỉnh táo" khi uống rượu là một sai lầm nguy hiểm. Uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố (Oxic Jock Syndrome).

Uống rượu, bia vào ngày Tết là điều khó tránh, nhưng chúng ta có thể tránh cách uống rượu, bia chưa đúng.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer