Clip Thơ Nguyễn dùng Kumanthong “xin vía học giỏi” cho trẻ em: Vừa phản khoa học, phản giáo dục, vừa mê tín dị đoan

Đây là đánh giá của NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) – Phó chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam khi bàn luận về vụ việc clip dùng Kumanthong “ xin vía học giỏi” cho trẻ em lan tràn trên mạng xã hội những ngày vừa qua của nhân vật tên Thơ Nguyễn.
14/03/2021 12:31

Clip phản khoa học, phản giáo dục và mê tín dị đoan

Trả lời Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng, NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) – Phó chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết: Những ngày qua, trên MXH lan truyền clip của nhân vật Thơ Nguyễn dùng Kumathong “xin vía học giỏi” cho trẻ em. Đây là người đã đưa nhiều clip phục vụ cho trẻ em với mong muốn giải trí, đồng thời qua các clip này để kiếm tiền cho bản thân.

“Thơ Nguyễn đã không phân biệt được lợi ích của cá nhân với lợi ích của xã hội, đặc biệt là lợi ích đối với trẻ nên mới đưa những clip đó lên MXH. Đây là một clip vừa phản khoa học, vừa phản giáo dục, vừa mê tín dị đoan”, NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh khẳng định.

tho nguyen

Clip của Thơ Nguyễn trên MXH.

Theo ông, không có cơ sở nào để nói trí thông minh của trẻ chỉ cần xin bùa vía mà thông minh được. Làm như thế, đứa trẻ sẽ thấy mình không cần học tập tốt, một số bà mẹ cả tin cũng làm theo để giúp con mình học tập giỏi thì càng đặc biệt nguy hiểm. Đó là sự phản khoa học.

Clip này còn phản giáo dục ở chỗ, không ai dạy trẻ các phương pháp “vớ vẩn”, cách dùng những từ ngữ không phù hợp trong giáo dục trẻ em. Điều này hoàn toàn không tốt mà còn có hại đến trẻ.

Ông cũng chỉ ra yếu tố mê tín dị đoan trong clip. Vì Kumanthong là loại bùa ngải của Thái Lan. Đưa Kumathong lên để làm cho đứa trẻ học giỏi hoàn toàn là điều sai trái.

Tác động của MXH đối với trẻ em và cách thức quản lý

Ngày nay, do điều kiện kinh tế xã hội phát triển, trẻ em sớm đã được tiếp xúc với điện thoại thông minh, máy tính do đó có thể dễ dàng tham gia vào các mạnh xã hội.

Tuy nhiên, các thông tin trên MXH vô cùng đa dạng và phong phú, nhiều thông tin rất hữu ích nhưng cũng không phải ít các tin chưa được kiểm duyệt, mang tính lệch lạc có thể ảnh hưởng lớn tới tư duy, nhận thức và hành vi của trẻ.

Do đó, MXH luôn tác động tới trẻ theo 2 mặt: tích cực và tiêu cực.

nguyen vo ky anh

NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh.

Theo NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, thông qua mạng xã hội, trẻ em có thể tiếp thu một số kiến thức bổ ích giúp trẻ nhận biết một số hành vi và có được thái độ đúng đắn, tích cực,phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ nhỏ. MXH làm phong phú hơn khả năng thực hiện, nhận biết, giúp đứa trẻ có hành vi tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày.

Tuy nhiên, MXH là nơi có nhiều thông tin không chính xác, có những thông tin lệch lạc, phản khoa học dễ gieo vào trẻ em những cái không lành mạnh, thậm chí các nguồn tin đấy làm hại đứa trẻ, dẫn đến những hành vi nguy hiểm.

Lý giải điều này, ông cho biết: “Theo tâm sinh lý thông thường của trẻ em, khi tiếp nhận một kiến thức mới, hành vi mới, chúng luôn cảm thấy tò mò, bắt trước mà không phân biệt được cái đúng sai, lành mạnh hay tiêu cực. Vì thế có thể dẫn đến các hậu quả nguy hiểm. Đặc biệt, chúng rất thích bắt chước, làm theo cái số đông đang làm mà không cần biết đúng sai. Vì thế những clip đưa lên MXH phải hết sức thận trọng”.

Đề cập về cách thức quản lý các thông tin trên MXH, NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng cho rằng,  các nhà truyền thông, các nhà quản lý phải có rào chắn, phải kịp thời để không cho phép những clip, tuyên truyền của những người cố tình, vô tình hoặc thiếu hiểu biết làm hại đến trẻ em nói riêng và xã hội nói chung.

Hiện nay rất nhiều clip, thông tin trên MXH không chính thống, làm ảnh hưởng đến trẻ em, trong đó, tiktok cũng có trách nhiệm. Trên MXH này thậm chí còn có cả những chuyện nhạy cảm của người lớn.

“Tôi được biết, hiện nay, các ban ngành đã có những chuyên đề nghiên cứu làm thế nào bảo vệ  an toàn cho trẻ em trên những tương tác trên MXH. Đồng thời cũng có một nhóm thanh niên, học sinh đang triển khai dự án này triển khai phổ biến trong các trường học để giáo dục các em nhận biết các thông tin nên xem, không tiếp thu những thông tin tiêu cực và không để lại thông tin cá nhân của mình để tránh bị lợi dụng vào các việc sai trái” – Viện trưởng Viện  IPD thông tin thêm.

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh, người quản lý tốt nhất ngoài việc các cơ quan chức năng, nhà trường thì các bậc cha mẹ phải hết sức thận trọng, quan tâm và quản lý tốt việc sử dụng MXH của con em mình sao cho phù hợp lứa tuổi, phương thức tương tác và thời gian tương tác cụ thể để tránh những tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của các con.

Dương Nhung

 

 

comment Bình luận

largeer