Cô giáo vùng cao bật khóc khi học sinh gọi hai tiếng: “Mẹ ơi!”

Cô giáo Hoàng Thị Từ Hiếu (SN 1979) – Trường Tiểu học Trần Quốc Toản ở xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã có hơn 20 năm làm nghề giáo với rất nhiều kỷ niệm đặc biệt cùng học sinh vùng cao.
17/11/2022 09:24

“Cuộc đời đi dạy của tôi toàn ở vùng cao”

Hơn 20 năm làm nghề là từng ấy thời gian cô giáo Từ Hiếu “dạy chữ” ở vùng cao. Đường đến trường toàn đèo dốc, rừng núi quanh co, vắng người. Đi làm cả ngày các giáo viên phải mang cơm theo để ăn trưa. Thời gian đưa đón con và chăm lo gia đình rất ít. Hầu như họ chỉ tranh thủ chiều tối và ngày nghỉ để dành khoảng thời gian ít ỏi ấy cho gia đình nhỏ bé của mình.

Cô giáo Hoàng Thị Từ Hiếu và các học trò

Cô giáo Hoàng Thị Từ Hiếu và các học trò

“Mỗi ngày tôi đều thức dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đến trường kịp giờ học vì nhà xa trường, đi khi trời còn nhá nhem tối, trở về nhà khi mặt trời đã lặn. Các học sinh ở xa trường cũng giống như tôi. Ở đây, từ giáo viên đến học sinh đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vất vả. Cuộc đời đi dạy của tôi toàn ở vùng cao”, cô giáo Từ Hiếu chia sẻ.

Con đường đến trường của học sinh vùng cao

Con đường đến trường của học sinh vùng cao

Không chỉ khó khăn, vất vả với con đường đất đến trường hay đèo dốc quanh co mà các thầy cô giáo còn gặp không ít những áp lực công việc. Với khối lượng công việc quá tải thì không riêng gì giáo viên vùng cao mà tất cả giáo viên ở các cấp đều như vậy.

Bữa cơm trưa tự mang từ nhà đến trường

Bữa cơm trưa tự mang từ nhà đến trường

Ngoài thời gian lên lớp thì còn phải dự giờ, thao giảng, sinh hoạt chuyên môn tổ, trường, cụm trường, hội họp, tham gia tập huấn thay sách, làm giáo án điện tử, thi làm đồ dùng dạy học, tham gia các phong trào khác của ngành, địa phương,…

Đồ ăn chỉ là rau củ cùng cơm trắng và mì tôm nhưng cũng khiến nụ cười của những đứa trẻ hồn nhiên không bao giờ vơi

Đồ ăn chỉ là rau củ cùng cơm trắng và mì tôm nhưng cũng khiến nụ cười của những đứa trẻ hồn nhiên không bao giờ vơi

Khó khăn hơn nữa khi đối tượng học sinh hầu như 100% là người dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp với phụ huynh, học sinh cũng gặp nhiều trở ngại. Hoàn cảnh học sinh đa số là hộ nghèo, cận nghèo nên học sinh thiếu thốn đồ dùng học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày dẫn đến việc dạy học của giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn theo.

Empty

Làm cô giáo đã khó, làm cô giáo vùng cao có lẽ còn gian nan và vất vả gấp nhiều lần

Nói thêm về học sinh của mình, cô giáo Từ Hiếu cho hay: “Làm nghề giáo, dù ở đâu thì đối với thầy cô, các học sinh của mình luôn được yêu quý và thương yêu. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tôi lại càng thương gấp bội phần”.

Empty

Chia sẻ một câu chuyện về những học sinh ở gia đình nghèo trong huyện cô giáo Từ Hiếu cho biết: “Từ huyện đến phố có 20 km nhưng có những học sinh cũng chưa bao giờ được đi xuống phố. Có năm tôi cho lớp do mình chủ nhiệm nuôi heo đất để dành tiết kiệm cho học sinh. Chủ yếu là cô nuôi vì các con cũng còn quá nghèo. Mỗi dịp Tết, ‘đập’ heo được bao nhiêu, tôi bù thêm tiền thuê xe chở các con xuống phố, cho tham quan vài điểm rồi cho đi ăn một vài món ngon”.

Cô và trò cùng nuôi heo đất

Cô và trò cùng nuôi heo đất

Chỉ từ những hành động rất nhỏ nhưng lại đem đến nhiều ý nghĩa cho những đứa trẻ vùng cao chưa một lần xuống phố thị chơi, chưa một lần được ăn món ngon. Làm cô giáo đã khó, làm cô giáo vùng cao có lẽ còn gian nan và vất vả gấp nhiều lần. Mỗi một lứa học sinh đều nhớ đến cô giáo Từ Hiếu bởi những gì cô đã làm cho chúng, đến giờ khi đã khôn lớn, những học sinh ấy vẫn thường xuyên liên lạc và nói nhớ cô.

Empty

Giáo viên ngoài dạy kiến thức phải dạy cho các e kĩ năng sống… giúp các em về vật chất cũng như tinh thần. Có những học sinh lớp 3, 4, 5 phải đi bộ đến trường chính để học cả ngày nên các em phải mang cơm đi học hàng ngày.

Tổng kết lớp bằng tiền nuôi heo đất của cô và trò

Tổng kết lớp bằng tiền nuôi heo đất của cô và trò

Có nhiều gia đình bố mẹ đi ngủ rẫy nên đa số các em phải ở nhà tự lo… Nên cô giáo cũng gần như là một người mẹ, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, buộc tóc, thậm chí là cắt tóc và cả việc giảng bài cho học sinh.

Cô giáo thường nấu những bữa ăn đổi vị cho các học sinh của mình

Cô giáo thường nấu những bữa ăn đổi vị cho các học sinh của mình

Tình yêu thương dành cho các học sinh như những đứa con

Chia sẻ thêm về những câu chuyện trong cuộc đời làm nghề giáo của mình, cô giáo Từ Hiếu cho biết: “Năm ngoái, tôi chủ nhiệm lớp 2 ở thôn xa nhất trường. Có một cô bé mẹ bỏ đi từ nhỏ, bố đi làm công nhân ở Bình Dương. Bé ở với bà, bà thì suốt ngày say rượu nên không ai chăm sóc. Lên lớp lúc nào cô bé ấy cũng bị muộn, bị đói, đầu tóc bù xù. Hết giờ học là bé đi đào măng về mới có cái nấu ăn. Tôi quan tâm bé đó hơn các bạn một chút. Mang quần áo, thức ăn cho bé, rồi hay chải tóc, buộc tóc bắt chấy… Cô bé ấy thiếu tình thương của mẹ nên mỗi lần gần bé, ánh mắt nó nhìn tôi lạ lắm! Các bạn trong lớp bảo là bạn ấy như con của cô. Rồi cả lớp hỏi: ‘Cô ơi, bọn con gọi cô là mẹ được không?’. Tôi trả lời: ‘Các con thích thì cứ gọi’. Thế là cả lớp ồ lên vui vẻ. Tưởng chỉ đùa rồi thôi nhưng lúc giảng bài tôi đi xuống lớp, gần đến chỗ bé đó, cô bé ấy nhìn tôi rồi gọi: ‘Mẹ ơi!’. Chỉ gọi thế thôi rồi cô bé lại ngồi viết bài tiếp. Lúc ấy, tôi thực sự xúc động nên đã ra ngoài khóc. Hôm sau, hôm sau nữa không một học sinh nào nhớ nhưng riêng cô bé ấy vẫn gọi: ‘Mẹ ơi!’. Khi chia sẻ câu chuyện này, cô giáo Từ Hiếu lại tiếp tục rưng rưng dòng nước mắt nhớ về buổi học ngày hôm đó.

Cô bé học sinh gọi cô giáo trìu mến:

Cô bé học sinh gọi cô giáo trìu mến: "Mẹ ơi!"

Giỏ măng cắt biếu cô

Giỏ măng cắt biếu cô

Tiếp tục câu chuyện, cô Từ Hiếu cho biết thêm: “Lớp vừa tan học, tôi loay hoay dọn dẹp đóng cửa ra về. Vừa chạy xe lên đầu dốc đã thấy cô bé ấy hái được một ít măng mang bảo: ‘Biếu cô!’. Có rất nhiều câu chuyện cảm động không thể kể hết được trong những năm tháng làm nghề giáo nhưng đi đến đâu tôi đều làm thiện nguyện ở những nơi mình dạy”.

Không chỉ gắn bó với một nơi, mỗi lần chuyển công tác là từ nhà trường đến phụ huynh đều tổ chức tiệc chia tay người giáo ấy – Người đã cùng gắn bó là đồng nghiệp thân thiết, người đã từng dạy các học sinh chăm ngoan, người đã có những sự giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn – cô giáo Từ Hiếu. Tình yêu thương của cô giáo Từ Hiếu không chỉ dành cho nghề mà còn dành cho cả những người “con” thân yêu trong suốt hơn 20 năm qua.

Hy sinh vì sự nghiệp "trồng người" ở những nơi vùng cao, biên giới đầy gian khó

Chọn nghề cũng một phần vì sinh kế, thế nhưng đối với giáo viên vùng cao thì trước hết phải có lòng yêu nghề và đức hy sinh, tình yêu học trò phải chiến thắng nỗi sợ hãi và muôn vàn khó khăn, thử thách.

Cô và trò tổ chức ngày Phụ nữ 20/10

Cô và trò tổ chức ngày Phụ nữ 20/10

Mong muốn lớn nhất của các thầy cô giáo là các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến đời sống của giáo viên vùng cao. Về trang thiết bị dạy học những năm gần đây đã có đầu tư và đáp ứng cơ bản đủ phục vụ công tác dạy học. Ngoài ra, cần giảm tải bớt khối lượng công việc, bớt họp hành, thi thố, để tập trung vào công tác dạy học. Quá nhiều thứ hồ sơ sổ sách, thi cử, tập huấn… khiến các thầy cô gặp quá tải.

Nụ cười trẻ thơ

Nụ cười trẻ thơ

Nghề dạy học là nghề vinh quang, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Còn đối với những giáo viên vùng cao, giáo viên cắm bản, rất nhiều người phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trụ ở các thôn, bản xa xôi, để cho giấc mơ con chữ, của học trò vùng cao, được trọn vẹn.

Món quà dành tặng cô đôi khi chỉ là những bông hoa dại nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao

Món quà dành tặng cô đôi khi chỉ là những bông hoa dại nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao

Sự cống hiến của các giáo viên vùng cao nói chung và Kon Tum nói riêng không thể kể hết bằng lời, chỉ có tận mắt chứng kiến, thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp "trồng người" ở những nơi vùng cao, biên giới đầy gian khó.

“Nhân ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến toàn thể bạn bè đồng nghiệp. Chúc các bạn luôn yêu nghề và tự hào về nghề giáo, cái nghề được coi là cao quý nhất trong các nghề cao quý. Mong muốn lớn nhất là làm sao mang được thật nhiều kiến thức cũng như kĩ năng sống cho học sinh vùng khó khăn!”, cô giáo Từ Hiếu nói thêm.

Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer