Có nên mua hay sử dụng thiết bị đo đường huyết không xâm lấn cho bệnh nhân đái tháo đường?

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Gần đây, tôi liên tục được nhiều bệnh nhân và người quen hỏi về việc có nên mua/sử dụng các thiết bị đo đường huyết dưới dạng đồng hồ hay vòng tay không?” Trên mạng cũng thấy tràn ngập các quảng cáo về thiết bị này.
20/08/2023 10:57

Để trả lời câu hỏi này, TS.BS. Nguyễn Quang Bảy cung cấp thông tin Guideline về phương pháp đo đường huyết không xâm lấn đăng trên Tạp chí Clinical Chemistry số tháng 7/ 2023 như sau:

1. Định nghĩa: Cảm biến glucose không xâm lấn được định nghĩa là kỹ thuật đo được nồng độ glucose trong máu mà không cần lấy máu hoặc đưa thiết bị đo vào trong cơ thể. Mục tiêu là có được nồng độ đường huyết mà không gây đau đớn, không cần đâm kim qua da.

2. Các phương pháp đo đường huyết không xâm lấn:

Các phương pháp tiếp cận bao gồm quang phổ, trở kháng sinh học, chụp cắt lớp kết hợp quang học, chụp ảnh thể tích, thiết bị plasmonic, thiết bị đa cảm biến hoặc đo trực tiếp glucose không xâm lấn trong các dịch lỏng như nước mắt hoặc mồ hôi. Trong đó Quang phổ học là phương pháp phổ biến và bao gồm các kỹ thuật liên quan đến quang phổ hấp thụ trên bước sóng cận hồng ngoại và trung hồng ngoại, quang phổ tán xạ Raman và quang phổ vi sóng. Các phép đo không xâm lấn theo phương pháp soi quang phổ này, có liên quan đến việc truyền bức xạ điện từ không ion hóa qua da và sau đó chiết xuất nồng độ glucose từ quang phổ thu được bằng cách sử dụng các phương pháp đo hóa trị đa biến. Nồng độ glucose có được từ các phép đo hồng ngoại gần, hồng ngoại giữa và Raman bắt nguồn từ các chế độ rung độc đáo trong cấu trúc hóa học của phân tử glucose.

Dong_ho_do_duong_huyet

Có nên sử dụng thiết bị đo đường huyết không xâm lấn cho bệnh nhân đái tháo đường?

3. Ưu nhược điểm của phương pháp đo đường huyết không xâm lấn:

Các máy đo đường huyết không xâm lấn hiện nay là sản phẩm của các Công ty dụng cụ y tế hoặc Công ty kỹ thuật. Tuy có ưu điểm lớn là không xâm lấn, không gây đau và không có nguy cơ nhiễm trùng, rất thuận tiện cho việc đọc kết quả nhưng cho đến nay, chưa có thiết bị đo glucose không xâm lấn nào được FDA (Hoa Kỳ) chấp thuận do chưa đạt được độ chính xác theo tiêu chuẩn ISO. Nhìn chung, các hệ thống này chưa đủ khả năng đo chính xác nồng độ glucose sau khi hiệu chuẩn, thường được thực hiện khi đo nồng độ đường huyết trong quá trình làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, do đó rất ít được sử dụng trong lâm sàng. Các nghi ngờ là về mô hình hóa quá mức dữ liệu hiệu chuẩn, sự dao động quá lớn liên quan đến các loại da và sự kém đặc hiệu của các phương pháp gián tiếp (tín hiệu đo được không bắt nguồn trực tiếp từ các phân tử glucose, mà phản ánh tác động thứ cấp của nồng độ glucose qua các thông số đo được, ví dụ như sự thay đổi nhịp tim hoặc nhiệt độ.

4. Gần đây, người ta đã chú ý nhiều đến phép đo glucose trong nước mắt. Sử dụng một chất cảm biến sinh học glucose được in trên màn hình hoặc một vật liệu tinh thể dạng keo có thể đặt vào mặt trong của kính áp tròng để đo nồng độ glucose trong dịch nước mắt. Tuy nhiên một câu hỏi quan trọng chưa được trả lời là: Liệu nồng độ glucose trong nước mắt có tương quan đủ chặt với nồng độ glucose máu để đưa ra các quyết định lâm sàng không? Cho đến nay, các nghiên cứu về mối tương quan giữa nồng độ glucose trong máu và nước mắt ở cả người và động vật đều không đưa ra được kết luận.

5. Kết luận: Với những cơ sở khoa học trên, TS Nguyễn Quang Bảy khuyến cáo: Ở thời điểm tháng 7/2023, không khuyến cáo sử dụng các hệ thống đo đường huyết không xâm lấn để thay thế cho các kỹ thuật đo đường huyết mao mạch hoặc đo đường huyết liên tục (CGM). Có lẽ cần thêm thời gian và bằng chứng về phương pháp đo đường huyết không xâm lấn.

Theo Bệnh viện Bạch Mai

comment Bình luận

largeer