Cổ yếm - Cây rừng làm thuốc

Cây cổ yếm còn có tên sau sau, sau trắng, phong hương, bạch giao hương, cây thau. Tên khoa học: Liquidambar formosana Hance, họ sau sau (Hamamelidaceae). Cây sau sau có nhiều ở các tỉnh phía Bắc.
21/06/2021 17:36

Tinh dầu và nhựa cây cổ yếm được sử dụng trong công nghệ hóa mỹ phẩm. Ngọn lá non được dùng làm thực phẩm. Bộ phận dùng làm thuốc là quả (lộ lộ thông), lá (phong hương diệp), rễ (phong hương căn), nhựa (phong hương chi).

Lá cổ yếm chứa nhiều tanin, các tanin thay đổi theo mùa nên vào mùa thu lá cây chuyển sang màu vàng đỏ, như cây phong ở miền ôn đới (telimagrandin II có vào đầu mùa xuân còn casuarinin và pedunuculagin có vào mùa thu); các tanin C. glucosidic và oligomeric cũng có trong lá; chất hertellin là tanin thủy phân có cấu trúc dimeric, có tác dụng ức chế khối u. Quả chứa acid liquidamric và acid liquidamric lacton thuộc nhóm triterpen; acid beturonic có hoạt tính sinh học bảo vệ tế bào gan. Nhựa chứa tinh dầu (alpha pinen, beta pinen, camphen, terpinolen, caryophylen, bornyl acetat, cinnamyl, cinnamat và nhiều chất khác.

491

Quả, lá, rễ và nhựa của cây cổ yếm (sau sau) đểu được dùng làm thuốc

Theo Đông y, quả cây cổ yếm có vị đắng, tính bình, có mùi thơm; tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh. Chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, tiểu tiện khó, mề đay, viêm da, chàm.

Lá có vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết. Chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema.

Nhựa có vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau. trị ho có đờm, kinh giản, thổ huyết, nôn ra máu, chảy máu cam.

Rễ vị đắng tính ấm; tác dụng khứ thấp, chỉ thống.

Rễ có tác dụng khứ thấp, chỉ thống; chữa thấp khớp, đau răng.

Một số bài thuốc có cổ yếm (sau sau)

Chữa phong thấp, lưng gối đau, chân tay co quắp, toàn thân tê buốt: Lộ lộ thông 20g, tùng tiết 20g. Sắc uống. Lưu ý: không dùng cho phụ nữ có thai

Trị thần kinh tọa: Lộ lộ thông 10g, cam thảo 10g, tần giao 10g, địa long 10g, ngưu tất 10g, độc hoạt 10g, phục linh 10g, mộc hương 5g, thương truật 5g, đương quy 10g, tang ký sinh 15g. Sắc uống. Công dụng trừ thấp tán hàn, thông kinh hoạt lạc, trị thần kinh tọa đau.

490

Quả cuả cây sau sau (lộ lộ thông) là vị thuốc hay trị phong thấp, đau nhức xương khớp, đau thần kinh tọa

Chữa nổi mẩn, mề đay, lở ngứa: Lá hoặc vỏ cây nấu lấy nước, lau rửa hoặc tắm.

Chữa mụn nhọt, đòn đánh đau nhức, phong thấp sưng đau: Nhựa sau sau 40g, nhựa thông 40g, sáp ong 10g, dầu vừng 10g. Đun cho tan, đánh đều cho loãng, để nguội phết lên giấy và dán vào chỗ đau.

Chữa sâu răng, đau răng: Nhựa cây sau sau đốt cháy, phần còn lại tán nhỏ, xỉa vào chỗ đau.

Trị tai điếc đột phát: Cát căn 30g, xuyên khung 15g, toàn quy 15g, xích thược 15g, thạch xương bồ 15g, tam thất 10g, nga truật 10g, hương phụ 10g, hồng hoa 10g, lộ lộ thông 12g, uy linh tiên 12g, địa long 12g. Sắc uống, ngày 1 thang, uống 2 lần; uống trong 15 đến 30 ngày

Trị sữa ít, sữa không thông: Lộ lộ thông 60g, toàn qua lâu 1 quả, xác rắn 1 cái. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, uống với rượu loãng

Trị sán khí do hàn: Lộ lộ thông 12g, diên hồ sách 12g, lệ chi hạch 12g, cát cánh 4g, quế chi 6g, sài hồ 6g, hồi hương 4g, mộc hương 4g, thanh bì 8g, hương phụ 12g, quất hạch 12g, trạch tả 12g, vân linh 12g. Sắc uống.

Trần Tuyên (Theo TS. Nguyễn Đức Quang - SKĐS)

comment Bình luận

largeer