COVID-19 của Ấn Độ đã đạt đỉnh?

Số ca nhiễm hàng ngày ở Ấn Độ đang giảm mạnh trong những ngày gần đây, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng COVID-19 thứ hai chưa qua đỉnh.
26/05/2021 15:05

 Ấn Độ đã ghi nhận hơn 27 triệu ca COVID-19, chỉ đứng sau Mỹ, đang là tâm dịch của toàn cầu. Làn sóng COVID-19 thứ hai trong những tuần qua gây quá tải cho hệ thống y tế, khiến nhiều bệnh viện phải vật lộn vì thiếu thuốc men, oxy và giường bệnh.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hàng ngày đang giảm. Ngày 24/5, số ca nhiễm hàng ngày đã giảm xuống dưới 200.000, lần đầu tiên kể từ ngày 14/4.

Các chuyên gia tin rằng ở cấp quốc gia, làn sóng COVID-19 đang suy yếu. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày đã giảm đều đặn trong hai tuần qua kể từ sau khi đạt đỉnh 392.000 ca, theo Rijo M John, nhà kinh tế học sức khỏe

An-do-4-2021-edited-2077-1622004816

Một bệnh nhân COVID-19 thở oxy trong xe cứu thương để chờ nhập viện ở thành phố Ahmedabad, hôm 20/4. Ảnh: Reuters

Nhưng không phải tất cả các bang của Ấn Độ đều chứng kiến xu hướng giảm chung này. Ca nhiễm dường như đã đạt đỉnh ở các bang như Maharashtra, Delhi và Chhattisgarh, nhưng vẫn đang tăng ở Tamil Nadu hay phần lớn khu vực đông bắc. Tình hình dịch ở Andhra Pradesh và Tây Bengal không rõ ràng.

John cho rằng làn sóng COVID-19 ở các bang không đồng đều và một số bang vẫn chưa đạt đỉnh dịch. Nhưng một điều chắc chắn là số ca nhiễm ở hầu hết thành phố lớn đang giảm.

"Khả năng giám sát dịch bệnh yếu kém ở vùng nông thôn đang khiến bức tranh đại dịch trở nên phức tạp. Có thể tổng số ca nhiễm toàn quốc vẫn chưa đạt đỉnh, nhưng điều này không được nhìn thấy qua tổng số ca bởi hầu hết lây lan ở vùng nông thôn", Murad Banaji, nhà toán học tại Đại học Middlese ở London nói.

Sitabhra Sinha, nhà khoa học tại Viện Khoa học Toán học ở Chennai, cho rằng tình hình khác nhau ở cấp địa phương khiến rất khó đoán liệu làn sóng dịch giảm ở Ấn Độ hiện tại có bền vững hay không.

Bhramar Mukherjee, một nhà thống kê sinh học tại Đại học Michigan, đồng tình với nhận định của Sinha. "Khái niệm đỉnh dịch đã qua có thể mang lại cảm giác an toàn sai lầm cho mọi người, trong khi bang của họ thực tế lại đang bước vào khủng hoảng. Chúng ta phải nói rõ ràng chưa có bang nào an toàn", bà nói.

Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0), số người bị nhiễm từ một người mang virus, là thông số để đánh giá tình hình của dịch. Hệ số này của Ấn Độ đã giảm xuống dưới một trong khoảng thời gian từ 14-18/5.

"Nếu đây là một xu hướng bền vững và tiếp tục giảm trong những tuần tiếp theo, chúng ta có thể mong đợi số ca nhiễm giảm mạnh hơn", Sinha nói, nhưng thêm rằng R0 của Ấn Độ "gần như chưa từng xuống dưới một trong toàn bộ làn sóng thứ hai nên chúng ta cần cẩn thận rằng đây không phải dấu hiệu tốt".

Tốc độ dịch giảm ở Ấn Độ khá chậm trong đợt bùng phát đầu tiên, khi số ca nhiễm chỉ bắt đầu giảm từ cuối tháng 9 năm ngoái trước khi làn sóng thứ hai bắt đầu vào giữa tháng 2 năm nay. Xu hướng giảm của làn sóng thứ hai nhanh hơn, nhưng các chuyên gia chưa biết chính xác lý do.

Họ cho rằng một lý do có thể là virus đã nhiễm bệnh cho phần lớn dân số. Tuy nhiên, thực tế làn sóng bị thúc đẩy do các biến chủng của virus dường như không ủng hộ lập luận này.

Tiến sĩ Mukherjee nói các mô hình dự đoán của bà chỉ ra số ca nhiễm của Ấn Độ có thể giảm xuống 150.000-200.000 ca cho tới cuối tháng 5, và tới cuối tháng 7 có thể quay trở lại mức như tháng 2.

Nhưng bà nói thêm điều đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách các bang Ấn Độ nới phong tỏa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị một bang hoặc một quốc gia có thể mở cửa an toàn khi tỷ lệ dương tính giảm xuống dưới 5% trong 14 ngày.

Tiến sĩ John cho biết nếu Ấn Độ duy trì xét nghiệm trung bình 1,8 triệu người mỗi ngày, tỷ lệ dương tính 5% đồng nghĩa quốc gia này ghi nhận khoảng 90.000 ca nhiễm mới. "Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang được kiểm soát", ông nói.

Ấn Độ là vùng dịch chết chóc thứ ba thế giới với hơn 311.000 ca, đứng sau Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, số liệu tử vong thực tế có thể cao hơn rất nhiều con số được báo cáo.

Tiến sĩ Banaji cho rằng số ca tử vong hàng ngày có thể chưa đạt đỉnh bởi thường có thời gian trễ giữa thời điểm số ca nhiễm đạt đỉnh và số ca tử vong đạt đỉnh. Nhưng cũng như số ca nhiễm, số liệu về trường hợp tử vong cũng có nhiều khác biệt giữa các bang, cũng như giữa vùng thành thị và nông thôn.

"Ngay cả khi số ca tử vong bắt đầu giảm, chúng ta vẫn cần cảnh giác cho tới khi không còn nghe những báo cáo về số lượng lớn người tử vong ở vùng nông thôn", Banaji nói.

Tiến sĩ Mukherjee nói Ấn độ sẽ báo cáo nhiều ca tử vong hơn từ giữa tháng 5 tới tháng 6, với các mô hình ước tính khoảng 100.000 ca vào giai đoạn này.

An-Do-4-bloomberg-edited-9450-1622004816

Một trung tâm y tế tạm thời ở thủ đô New Delhi hồi tháng 4. Ảnh: Bloomberg

Giới quan sát nhận định Ấn Độ sẽ cần nhiều kế hoạch chiến lược và đa dạng hơn để nới phong tỏa trong thời gian tới. Các chuyên gia nói Ấn Độ nên trì hoãn mở cửa dịch vụ ăn uống trong nhà, quán rượu, quán cà phê, phòng tập gym và các cơ sở "có nguy cơ cao" tương tự.

Các cuộc tụ tập chỉ được cho phép ở ngoài trời với số lượng không quá 10 người, cũng như tránh các đám cưới đông người tổ chức tại trung tâm tiệc cưới sử dụng điều hòa.

Điều quan trọng nhất là phải tăng tốc triển khai vaccine, bằng cách tăng các điểm tiêm chủng lưu động. Ngoài ra, chuyên gia cho rằng Ấn Độ cũng cần theo dõi chặt chẽ biến chủng mới hoặc sự gia tăng ca nhiễm, bằng cách sử dụng dữ liệu phân tích gene và dịch tễ học theo thời gian thực, đồng thời tăng cường xét nghiệm.

Tiến sĩ Banaji cho rằng sẽ là sai lầm nếu cho rằng COVID-19 đang "cạn năng lượng". "Miễn dịch không phải là tất cả hoặc không là gì cả. Người từng nhiễm trước đó bởi một biến chủng ban đầu có thể tiếp tục bị tái nhiễm và truyền bệnh", ông nói.

Ấn Độ cho đến nay mới tiêm vaccine cho 10% dân số trong hơn 1,3 tỷ người. "Tôi không nghĩ chúng ta nên xem xét trở lại cuộc sống bình thường ít nhất cho tới khi tiêm chủng được 80% dân số", tiến sĩ John nói.

Cho đến lúc đó, việc duy trì các biện pháp hiện tại như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, giữ vệ sinh và tránh tụ tập đông người sẽ giúp Ấn Độ kiểm soát dịch bệnh.

"Các tuyên bố sớm về chiến thắng trước COVID-19 đều đã gánh những hậu quả thảm khốc. Chúng tôi không muốn lặp lại điều đó", tiến sĩ Sinha nói.

(Theo vnexpress)

 

comment Bình luận

largeer