Covid-19 gặp thời tiết thuận lợi: Ai sẽ là "mục tiêu" hàng đầu của virus?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn khi thời tiết lạnh. Do đó, nếu không kiểm soát tốt, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn vào mùa đông.
02/12/2020 16:05

SARS-CoV-2 dễ lây lan vào mùa lạnh

Sau 88 ngày "yên bình", nước ta đã ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh. Covid-19 quay trở lại vào thời điểm thời tiết thuận lợi, khiến các chuyên gia lo ngại về diễn biến của dịch trong thời gian tới.

"Tình hình dịch Covid-19 có thể khốc liệt hơn vào mùa đông", đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Lý do được chuyên gia này đưa ra là vì tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, khi trung bình mỗi ngày có đến 600.000 ca nhiễm mới nên nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất lớn.

Bên cạnh đó, nếu không kiểm soát tốt, để Covid-19 bùng phát, sẽ tạo gánh nặng cho ngành y tế, bởi thời điểm này các bệnh đường hô hấp thường gặp vào mùa đông, ví dụ như cúm mùa, cũng sẽ tăng nhanh. Một nguyên nhân quan trọng khác, theo PGS Nga, thời tiết lạnh vào mùa đông sẽ thuận lợi cho sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

21597573942915-1606892695452

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, theo BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), virus SARS-CoV-2 nói riêng và các loại coronavirus nói chung đều có nguy cơ bùng phát và lây lan mạnh hơn vào mùa lạnh.

"Đây là thông tin đã được nghiên cứu và thực tế xác nhận. Do thời tiết lạnh giúp virus có thể sống lâu hơn ngoài môi trường. Hơn nữa, trong mùa lạnh, nếu chúng ta không giữ ấm đường hô hấp, sức đề kháng tại chỗ của niêm mạc hô hấp cũng suy giảm sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh Covid-19 hơn", BS Cấp chia sẻ.

Những "mục tiêu" hàng đầu của Covid-19

Theo BS Cấp, vì Covid-19 lây chủ yếu qua đường hô hấp thông qua việc tiếp xúc, nói chuyện trong phạm vi gần với người bị mắc bệnh hoặc ở trong môi trường kín, hẹp cùng người nhiễm Covid-19 trong thời gian dài.

Bởi vậy, những người làm nghề nghiệp phải tiếp xúc gần với nhiều người có nguy cơ mang bệnh Covid-19 như: thầy thuốc, nhân viên lễ tân, các phi hành đoàn trên máy bay, nhân viên thu ngân siêu thị…, sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với những nghề nghiệp tiếp xúc ít người hoặc chỉ tiếp xúc ở khoảng cách xa.

"Do đó, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như tôi đã đề cập thì càng phải đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo các biện pháp phòng dịch", BS Cấp nhấn mạnh.

dscf-48171586830543075-1606892773690

Ngoài ra, theo chuyên gia này, những người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính cũng cần rất lưu ý về vấn đề phòng Covid-19, vì nếu không may mắc bệnh, những đối tượng này sẽ diễn tiến nặng.

BS Cấp lý giải, ở người có một số bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch, bệnh đường hô hấp, khi mắc Covid-19 thì những bệnh này sẽ tăng nặng hơn hoặc Covid-19 diễn biến trầm trọng hơn.

"Những người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, bệnh nền nặng vốn dĩ nguy cơ tử vong tự nhiên đã cao hơn so với người khỏe mạnh. Do đó, khi mắc Covid-19, nguy cơ tử vong càng cao", BS Cấp chia sẻ.

Người dân cần làm gì để phòng dịch?

Để phòng ngừa Covid-19, người dân trước hết cần thực hiện tốt thông điệp 5 K của Bộ Y tế gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

Bên cạnh đó, theo BS Cấp, biểu hiện của Covid-19 bao gồm: sốt, ho khan, đau họng, đau mỏi người. Nhìn chung các dấu hiệu này tương tự như một số loại bệnh nhiễm vi khuẩn, virus đường hô hấp khác. Đặc biệt với Covid-19, có một tỷ lệ khá lớn các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất nhẹ và mờ nhạt. Bởi vậy, trên lâm sàng không thể phân biệt được Covid-19 và các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do căn nguyên khác, mà chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm.

Do đó, những người trở về từ vùng có lưu hành dịch Covid-19 hoặc có tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 nếu có những dấu hiệu hô hấp nghi ngờ, cần phải đến ngay cơ sở y tế để cách ly và làm xét nghiệm Covid-19.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân ở những vùng vùng có khí hậu nắng ấm, tuyệt đối không chủ quan với Covid-19 khi nghĩ rằng virus SARS-CoV-2 sẽ bị suy yếu bởi nhiệt độ cao.

BS Cấp thông tin: "Có nhiều coronavirus sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm khi thời tiết nắng ấm lên. Tuy nhiên, với SARS-CoV-2 thực tế vẫn ghi nhận có rất nhiều nước ở vùng có khí hậu nóng vẫn bùng phát dịch Covid-19 mạnh mẽ như: Brazil, một số bang ấm ở Mỹ, Indonesia… Cho nên dù sống ở vùng thường xuyên nắng nóng cũng không thể chủ quan với Covid-19".

Theo Dân trí

comment Bình luận

largeer