Cứu sống cụ bà 90 tuổi ngã 2 lần gãy cả hai bên xương đùi

Các bác sĩ ở Cần Thơ vừa cứu sống cụ bà 90 tuổi bị nhiều bệnh lý nặng, chỉ trong 3 tuần bị trượt chân té ngã 2 lần dẫn đến gãy cả hai bên xương đùi.
02/10/2020 16:05

Sáng 2.10, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ Trung tâm chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này vừa mổ cứu sống cụ bà 90 tuổi bị gãy liên tiếp hai bên xương đùi chỉ trong 3 tuần.

Trước đó, bệnh nhân là cụ bà Đ.T.L (90 tuổi, ngụ ở quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), nhập viện vì té ngã dẫn đến gãy liên mấu chuyển xương đùi trái. Tình trạng lúc nhập viện rối loạn tri giác lơ mơ, có nhiều bệnh nền, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, hạ natri máu, viêm phổi, suy kiệt, thiếu máu..

Sau khi được điều trị nội khoa tích cực, ê kíp phẫu thuật do BS.CK2 Huỳnh Thống Em (Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình), BS.CK2 Trần Huỳnh Đào (Trưởng Khoa Gây mê hồi sức) đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bán phần bên trái cho bệnh nhân. Sau đó, sức khỏe bệnh nhân ổn định, và ra viện 3 ngày sau mổ.

Tuy nhiên, xui xẻo là chỉ 3 tuần sau gãy xương đùi trái, bệnh nhân tiếp tục bị trượt té gãy luôn bên đùi phải. “Hôm đó mới hơn 1 giờ đêm, bà đi một mình, chẳng may lại vấp ngã thêm một lần nữa. Lúc ấy gia đình rất lo vì sức khỏe bà yếu, bị nhiều bệnh nền lại chấn thương thêm vùng đầu”, chị Hoàng Hương, con gái bệnh nhân, kể.

cuba-nb2_jtdp

Sau tai nạn, bệnh nhân không thể đi lại được. Kết quả X-quang cho thấy bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi phải.

Sau 30 phút, cuộc phẫu thuật thay khớp lần thứ 2 được hoàn tất, áp dụng giảm đau sau mổ qua catheter ngoài màng cứng nên sau mổ bệnh nhân không đau. Hiện tại, bệnh nhân hồi phục tốt, đang tập vật lý trị liệu phục hồi vận động, hướng dẫn tập đi bằng trợ giúp, BS Phong cho biết.

Theo BS.CK2 Huỳnh Thống Em, trước đây thay khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê vì người lớn tuổi sức yếu, thường có nhiều bệnh lý nền đi kèm nhất là bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, tiểu đường.

Hiện nay, chấn thương vùng háng dẫn đến gãy xương thường gặp ở những người bệnh lớn tuổi, đặc biệt những bệnh nhân có loãng xương kèm theo. Khi bị gãy xương đối với người cao tuổi vấn đề phục hồi sớm vận động đi lại là cần thiết nhất. Dù khó khăn nhưng nếu được đánh giá kỹ và chuẩn bị đầy đủ trước cuộc mổ, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, trình độ chuyên môn tốt thì người cao tuổi vẫn hoàn toàn có thể trải qua một cuộc phẫu thuật an toàn.

Theo Thanh niên

comment Bình luận

largeer