Đà Nẵng ghi nhận hơn 9.700 ca mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong từ đầu năm đến nay

Ngày 2/12, lãnh đạo UBND quận Thanh Khê, Đà Nẵng xác nhận trên địa bàn quận đã có ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH).
02/12/2022 16:26

Đến đầu tháng 12, số ca mắc SXH trên địa bàn TP. Đà Nẵng là hơn 9.700 ca, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2021 và ghi nhận 1 ca tử vong tại quận Thanh Khê.

Hiện nay, quận Thanh Khê có tổng số ca mắc SXH là 1.424 ca, tăng 15,31 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó các địa phương có số ca mắc cao nhất là An Khê (311 ca), tiếp theo đó là Hoà Khê (231 ca), Thanh Khê Tây (195 ca), Xuân Hà (166 ca), Thanh Khê Đông (135 ca), Chính Gián (127 ca)… Trên địa bàn quận có 75 ổ dịch nhỏ. 

17-7-SOT-XUAT-HUYET-

Người dân Đà Nẵng dọn dẹp xung quanh nơi ở để phòng SXH (Ảnh: CDC Đà Nẵng)

Ông Nguyễn Hữu Công - Phó Chủ tịch quận Thanh Khê cho biết, một trong những nguyên nhân gây tử vong do sốt xuất huyết là người nhà đưa bệnh nhân đi thăm khám và điều trị không kịp thời, nhất là với những người có bệnh nền. Mặc dù địa phương có số ca mắc không phải cao nhất thành phố nhưng đã ghi nhận một ca tử vong là bệnh nhân nữ tại phường An Khê.

Từ đầu năm đến nay, UBND quận đã thường xuyên chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại các cuộc họp giao ban với các đơn vị, địa phương và quy định hằng tuần ra quân tổng dọn vệ sinh tại các khu dân cư nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Tuy nhiên, ông Công cho biết, địa phương cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc khi đại bộ phận hộ gia đình, các cơ quan công sở, các nơi sinh hoạt công cộng có đầy đủ kiến thức về phòng chống SXH nhưng còn chủ quan như không kiểm tra các dụng cụ chứa nước có bọ gậy trong khuôn viên gia đình, công sở mình, không tự xử lý các ổ bọ gậy phát hiện được, không ngủ mùng…

Mặc dù đã được báo trước nhưng không thể phun hoá chất 100% hộ gia đình vì không có người ở nhà, nhà có người đau ốm, trẻ nhỏ, phụ nữ giai đoạn hậu sản… Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây mưa nắng thất thường trong ngày đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển, ca bệnh tăng liên tục cùng với việc thiếu hoá chất để xử lý ổ dịch nhỏ nên nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra.

Tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND quận Thanh Khê và các phường trên địa bàn quận về công tác phòng, chống SXH hồi cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho rằng, nguyên nhân của việc số ca mắc SXH tăng chủ yếu là do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, thiếu hợp tác từ người dân. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, các trường học, quản lý các cơ sở, khu vực, địa điểm trên địa bàn phối hợp tổ chức vệ sinh môi trường; tăng cường xử phạt các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cố tình không hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong phòng, chống dịch SXH.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, đoàn thể cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống SXH; chủ động thường xuyên thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và nơi cư trú, trong cộng đồng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer