Đà Nẵng triển khai bệnh viện vệ tinh, giảm tải tuyến trên, nâng cao năng lực y tế tuyến dưới
Đây là hoạt động mở đầu cho giai đoạn 2 của Đề án Bệnh viện vệ tinh do UBND thành phố phê duyệt, với mục tiêu hướng đến tầm nhìn năm 2025, các cơ sở y tế tuyến quận, huyện sẽ được cải thiện, nâng cao năng lực chuyên môn, giúp giảm tải tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Là đơn vị tiên phong trong triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh, từ năm 2023, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật nội, ngoại khoa và thận nhân tạo cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Có 14 kỹ thuật được thực hiện chuyển giao như: nội soi tiêu hóa cơ bản; nội soi phế quản ống mềm; thận nhân tạo cơ bản; hồi sức cấp cứu cơ bản, nâng cao; phẫu thuật các bệnh lý tuyến giáp; phẫu thuật chấn thương hàm mặt; gây mê hồi sức và chăm sóc sau phẫu thuật.
Trước đó, sau 3 năm triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 1 (2019-2021), Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức được 19 lớp đào tạo với 122 học viên tham gia, thực hiện 254 ca chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh (gồm 6 Trung tâm Y tế quận, huyện) và đã hình thành được mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế ở các bệnh viện vệ tinh được nâng cao và đã làm chủ được các kỹ thuật chuyển giao, góp phần giảm đáng kể lượng bệnh nhân chuyển tuyến đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết đối tượng được đào tạo là các bác sĩ hiện đang công tác tại các trung tâm y tế quận, huyện, thực hiện đào tạo thực hành và các gói chuyển giao kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc” với số lượng ca bệnh được chuyển giao từ 5-30 ca/kỹ thuật.
“Mục đích của Đề án Bệnh viện vệ tinh là giúp các cơ sở y tế tuyến dưới nâng cao các kỹ thuật, tiến tới làm chủ và tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, giúp giảm tải cho tuyến trên, nhất là trong bối cảnh cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở tuyến dưới không ngừng được đầu tư, bổ sung; đồng thời giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình; góp phần giảm bớt chi phí điều trị, gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh”, bác sĩ Nhân cho biết.
Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trong giai đoạn từ năm 2023 - 2025, đơn vị này tổ chức đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng lâm sàng cho trung tâm y tế các quận, huyện với một số kỹ thuật như: hồi sức cấp cứu sơ sinh; phẫu thuật cắt tử cung toàn phần và bán phần; phẫu thuật nội soi phụ khoa; hồi sức cấp cứu Nhi; siêu âm chẩn đoán trước sinh...
Theo bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trước khi triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh, đơn vị đã chỉ đạo Phòng Chỉ đạo tuyến phối hợp các khối sản, gây mê hồi sức, hồi sức nhi, nhi sơ sinh thực hiện khảo sát thực trạng về năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trung tâm y tế quận, huyện đối với các kỹ thuật sẽ được chuyển giao. Đồng thời tổ chức xây dựng và hoàn thiện khung chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật.
“Chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác truyền thông cho nhân dân hiểu về mạng lưới bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh, đơn vị vệ tinh, về chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới (đơn vị vệ tinh) tương đương như tuyến trên (bệnh viện hạt nhân), gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, giúp giảm quá tải điều trị nội trú, không để người bệnh phải nằm ghép”, bác sĩ Vinh cho biết.
Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, Đề án Bệnh viện vệ tinh được UBND thành phố phê duyệt theo 2 giai đoạn với mục tiêu hướng đến năm 2025 sẽ giảm tải cho hệ thống cơ sở y tế hạng 1, trên cơ sở xây dựng, củng cố mạng lưới bệnh viện vệ tinh là các trung tâm y tế quận, huyện.
“Để triển khai hiệu quả đề án, ngành y tế cũng yêu cầu các đơn vị vệ tinh là trung tâm y tế quận, huyện tiếp tục rà soát bảo đảm nhân lực tham gia công tác đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật; phối hợp các bệnh viện hạt nhân tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả. Việc nâng cao năng lực y tế cho tuyến dưới không chỉ giúp giảm tải cho tuyến trên mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế một cách đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân”, bác sĩ Trình cho biết.
Đức Tường
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Doanh nhân Nguyễn Phương Hoa: Người kiến tạo thành công từ kiến thức và đam mê
“Thành công có công thức, thất bại có lý do” - câu nói này đã trở thành kim chỉ nam cho hành trình khởi nghiệp đầy gian nan nhưng cũng vô cùng ý nghĩa của CEO Nguyễn Phương Hoa, người sáng lập và điều hành Tập đoàn Relab Group.November 14 at 9:11 am -
Lợi ích vượt trội của sữa hạt đối với sức khỏe
Trong thời gian gần đây, sữa hạt được coi là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng đối với rất nhiều đối tượng. Vậy sữa hạt là gì? Giá trị dinh dưỡng của sữa hạt như thế nào? Các bạn hãy tham khảo bài viết sau đây để giải đáp các thắc mắc trên!November 13 at 10:23 am -
Vai trò của 2’FL HMO đối với trẻ nhỏ
Trong thời gian gần đây, trong một số loại sữa công thức có bổ sung thành phần dưỡng chất quan trọng là 2’FL HMO. Vậy dưỡng chất này là gì? Có lợi cho trẻ em như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các mẹ thông tin hữu ích về loại dưỡng chất đặc biệt này.November 13 at 10:23 am -
Sản xuất gia công sữa hạt theo yêu cầu – đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho thị trường hiện đại
Sữa hạt dần trở thành lựa chọn dinh dưỡng phổ biến, đặc biệt với những người tìm kiếm thay thế sữa động vật hoặc duy trì chế độ ăn lành mạnh. Nhu cầu sữa hạt tăng cao khi người tiêu dùng chú trọng hơn vào dinh dưỡng tự nhiên và sức khỏe bền vững. Dịch vụ gia công sữa hạt theo yêu cầu là giải pháp lý tưởng giúp các thương hiệu cung cấp sản phẩm sữa hạt chất lượng.November 13 at 10:23 am