Đại diện Bộ Y tế tham dự họp báo “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”

Chiều ngày 8/4/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã tham dự cuộc họp báo “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh” tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
10/04/2024 09:03

Tham dự cuộc họp có đại diện của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện 108, Bệnh viện Trung ương Huế, các chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng và đông đảo phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Empty

Toàn cảnh cuộc họp báo “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”

Chia sẻ với các đại biểu và các phóng viên báo chí, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 06/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến mô tạng. Điều này là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua. Vì vậy việc triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển là định hướng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Trong thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ 04 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô tạng. Trong đó, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện tỉnh chưa ghép tạng đầu tiên thực hiện chẩn đoán và hồi sức chết não hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não

Empty

PGS. TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phát biểu tại cuộc họp báo

Ngày 31/3/2024, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí  bệnh nhân bị tai nạn giao thông, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, Glasgow 3 điểm, đồng tử hai bên giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng. Được điều trị và hồi sức tích cực, các y bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống nhưng kỳ tích không đến. Khi được bác sĩ, tư vấn viên đề cập đến việc hiến mô tạng sau chết não, gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng.

Empty

Các đại biểu tham dự cuộc họp báo

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cử kíp chẩn đoán và xuống Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để hỗ trợ và điều phối mô tạng thành công theo đúng quy định của pháp luật. Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã khởi động điều phối các tạng được hiến theo quy định pháp luật. Theo đó, 01 tim, 01 tạng thận, 01 phần gan (gan trái) được điều phối tới Bệnh viện Trung ương Huế; 01 phần gan (gan phải), 01 tạng thận được điều phối tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 02 giác mạc được điều phối tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Cho đến nay tất cả các tạng được lấy từ người hiến chết não được ghép đều có tiến triển tốt, đã mang lại sự sống cho các bệnh nhân khác. Theo PGS.TS  Đồng Văn Hệ, thành công của ca hiến có hai đặc điểm lớn. Thứ nhất, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện đầu tiên chưa ghép tạng thực hiện chẩn đoán chết não – Hồi sức chết não. Thứ hai, lần đầu tiên chia tách gan người hiến chết não thành công cho 2 người (01 người lớn và 01 trẻ em). Đây là cột mộc quan trọng trong việc xây dựng nòng cốt, hình thành và mở rộng mạng lưới hiến tạng trong toàn quốc mà trong thời gian qua Trung tâm đã nỗ lực xây dựng, đồng thời là bài học kinh nghiệm cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, nơi có điều trị, có các bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng. Từ mô hình của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có thể chia sẻ những kinh nghiệm và lan tỏa ra các đơn vị khác, mở rộng mạng lưới tư vấn hiến tạng, gia tăng nguồn tạng hiến, giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống hơn nữa.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh ghép mô, tạng là phương pháp điều trị và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20. Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng. Lượng người bệnh chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm. Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.

Empty

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại cuộc họp báo

Tại Việt Nam, hơn 30 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép tạng đầu tiên năm 1992, chúng ta đã ghép được hầu hết các tạng như tim, gan, phổi, thận tuỵ… với trình độ không thua kém với các nước phát triển. Đặc biệt trong 2 năm qua, mỗi năm chúng ta đã ghép hơn 1.000 trường hợp, đứng số 1 Đông Nam Á về số lượng ca ghép/năm. Đây là một thành tích rất đáng trân trọng. Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Tuy nhiên, 95% nguồn hiến tạng tại Việt Nam từ người sống, ngược lại với thực trạng của các nước và ngược lại với xu hướng phát triển trên thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn hiến tạng đặc biệt là nguồn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim, phát triển bệnh viện hiến tạng trên toàn quốc là việc làm thiết thực đem lại lợi ích lớn cho xã hội

Bộ Y tế đã chỉ đạo và cử Trung tâm điều phối Quốc gia nghiên cứu, thăm quan và học tập kinh nghiệm nước ngoài tại Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp… Trung tâm đã triển khai thành công mạng lưới thí điểm tại 16 bệnh viện miền Bắc thành công. Trung tâm cũng đã trợ giúp tổ chức chẩn đoán, hồi sức chết não và lấy tạng tại 3 bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E Trung ương và đặc biệt Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh. Đây  là bệnh viện tỉnh đầu tiên trên cả nước chưa từng ghép tạng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, trực tiếp là Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia,  đã triển khai thành công tư vấn gia đình đồng ý hiến, thực hiện chẩn đoán, hồi sức chết não và lấy mô tạng điều phối tới các cơ sở nghép. Riêng trường hợp chết não này  đã hiến tạng cứu sống 5 bệnh nhân và giúp ích cho nhiều người bệnh khác trên toàn quốc.

Thay mặt cho lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn gửi lời tri ân cảm ơn người bệnh và gia đình người bệnh tại Uông Bí, Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hiến mô tạng khi chết não. Bộ Y tế cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E trung ương, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế Quảng Ninh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, đặc biệt cám ơn đội ngũ hơn 120 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đã tham dự trực tiếp trong 3 ngày đêm để thực hiện ca hiến và 5 ca ghép tạng thành công, tạo cột mốc quan trọng cho ngành ghép tạng. Cám ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã lan toả công việc ý nghĩa này tới cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia và một số Vụ, Cục liên quan triển khai mô hình mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc, với lộ trình phù hợp. Cùng với đó các Vụ, Cục liên quan cần tham gia xây dựng các chính sách liên quan cho hoạt động tư vấn hiến mô tạng tại các bệnh viện, hoạt động chẩn đoán, hồi sức chết não và thu gom mô tạng, bảo quản, vận chuyển mô tạng.

Theo Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer