Đắk Lắk điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng viêm màng não do nhiễm giun sán

Trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng viêm màng não do nhiễm giun sán.
17/05/2023 07:36

Điển hình là trường hợp bệnh nhân H.B.N., trú tại xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bệnh nhân cho biết, khi ở nhà xuất hiện các cơn đau đầu dữ dội, người luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn. Ban đầu cứ nghĩ là bị rối loạn tiền đình, bệnh nhân đã được gia đình đưa đi khám, lấy thuốc ở rất nhiều nơi nhưng không đỡ.

Khi tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, bệnh nhân đã ở vào ngày thứ 7 của bệnh và trong suốt 6 ngày trước đó, hầu như ban đêm bệnh nhân không thể ngủ vì các cơn đau.

Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não do nhiễm giun tròn chuột. Khi tìm ra căn nguyên, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã đưa ra phác đồ điều trị giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục.

"Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ việc nhiễm giun sán sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế. Tôi nghĩ có thể do tôi thường xuyên ăn các loại rau sống và chủ quan không bao giờ tẩy giun nên mới mắc bệnh" - bệnh nhân H.B.N. chia sẻ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhập viện do biến chứng khi bị nhiễm giun sán nặng. Ảnh: VTV

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhập viện do biến chứng khi bị nhiễm giun sán nặng. Ảnh: VTV

Hay như trường hợp nam bệnh nhân N.T.L., trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Do thường xuyên ăn các món chế biến tái như tôm, cá… và không tẩy giun nên vừa qua, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện triệu chứng đau đầu không rõ nguyên nhân.

Mặc dù đã đi khám tại nhiều cơ sở, uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình của bệnh nhân ngày một nặng. Đến khi được khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh với chẩn đoán viêm màng não do nhiễm giun sán, được các bác sĩ kịp thời điều trị, bệnh nhân mới bình phục sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quỳnh, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: Bệnh nhiễm giun sán hay nhiễm ký sinh trùng là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, bệnh chiếm khoảng một phần tư dân số thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay đã xác định được trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người.

Việt Nam nằm trong đới khí hậu nhiệt đới có gió mùa hoạt động quanh năm. Vì có khí hậu nóng ẩm nên thuận lợi cho sự phát triển giun sán, kèm theo đó là nguồn động thực vật phong phú ở môi trường sống góp phần giúp giun sán có nhiều ký chủ hơn. Cộng với việc ý thức vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng chưa tốt, đã tạo điều kiện cho mầm bệnh giun sán lan tràn rộng rãi.

Cũng theo bác sĩ Quỳnh, giun sán muốn xâm nhập vào cơ thể người phải thông qua vật chủ trung gian bằng đường ăn uống, đặc biệt là các loại thức ăn chưa được nấu chín như rau sống, ốc, uống nước chưa đun sôi, nguồn nước không vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm, ngậm đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi vệ sinh… Giun sán khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh sẽ gây rối loạn đường tiêu hóa, đau bụng thường xuyên hoặc có thể gây các biến chứng nặng nề hơn như các ổ áp xe trong ổ bụng, não và phổi.

Các biến chứng do nhiễm ký sinh trùng rất nguy hiểm, do đó, để không bị nhiễm giun sán thì cả người lớn và trẻ nhỏ cần phải đảm bảo 3 sạch, đó là: ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Thực hiện ăn chín uống sôi, rau sống cần rửa sạch trước khi ăn; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Để phòng ngừa bệnh giun sán, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun sán theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; Không nên ăn đồ tái, sống; Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm; Giữ môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ… Khi có các triệu chứng nhiễm giun sán cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer