Đắk Lắk lên phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.
13/10/2022 08:13

Mục tiêu của phương án nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể được chia theo tình huống cấp độ bệnh. Tình huống 1 ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam nhưng chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh: tăng cường công tác giám sát tại các cửa ngõ vào tỉnh để phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế; thông báo ca bệnh các tỉnh để người dân được biết và chủ động phòng chống.

Tình huống 2 xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào tỉnh: khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng; hạn chế ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình huống 3 dịch lây lan ra cộng đồng: đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng; hạn chế ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. 

UBND tỉnh giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh tham mưu, giúp UBND tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế. Liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia để nắm chắc diễn biến dịch, triển khai các biện pháp phòng, chống. Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.

Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh kế hoạch, phương án, chuẩn bị nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất… để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Làm đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh, thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo chống dịch Quốc gia để tham mưu đề xuất phương án phòng, chống dịch hiệu quả và phù hợp với tình hình, nguồn lực thực tế của địa phương. Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chuyên môn để người dân thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch theo các mức độ dịch tương ứng. Chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch trong các lĩnh vực về phát hiện điều trị cách ly, giám sát phòng chống, truyền thông, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, hóa chất vật tư, trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế, có kế hoạch điều động nhân lực trong toàn ngành và các đơn vị y tế liên quan đóng trên địa bàn tham gia chống dịch…

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh đậu mùa khỉ; phối hợp xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch đặc biệt có kế hoạch duy trì các hoạt động thiết yếu trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

Công an tỉnh ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các vùng có dịch, các khu cách ly phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Liên hệ chặt chẽ với ngành y tế để nắm chắc diễn biến dịch, các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh nói chung và trong lực lượng Công an nói riêng. Phối hợp nắm bắt, thông tin kịp thời tình hình người nước ngoài đặc biệt người từ vùng có dịch đến địa bàn tỉnh để chủ động trong công tác phòng, chống dịch…

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát chặt đường mòn lối mở, đường biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm người nhập cảnh trái phép kết hợp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai chốt kiểm dịch y tế liên ngành khi có chỉ đạo của tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người các cấp của địa phương; lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Kiểm tra việc chuẩn bị đáp ứng dịch tại các tuyến y tế, cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn. Thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Theo Báo Đắk Lắk

comment Bình luận

largeer