Đắk Nông củng cố y tế cơ sở, đột phá, phát triển vùng dược liệu, khám chữa bệnh y học cổ truyền

Tại TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) ngày 6/9, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông và nhiều cơ quan, ban ngành liên quan ở địa phương này về một số vấn đề cấp thiết liên quan lĩnh vực y tế.
07/09/2022 11:45

Giàu tiềm năng dược liệu

Sau thời gian dài căng mình ứng phó với cao điểm dịch COVID-19, ngành y tế địa phương rất khó khăn, nhất là y tế cơ sở. Tinh thần cán bộ y tế nao núng, nhiều bác sĩ nghỉ việc. Vì vậy, chuyến công tác của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và đoàn công tác Bộ Y tế lần này ngoài đẩy mạnh phát triển dược liệu, y học cổ truyền còn lắng nghe địa phương để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, động viên, kiểm tra việc thực hiện các chương trình y tế, tiêm chủng.

Empty

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên (người đứng) và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông làm việc tại UBND tỉnh

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, là tỉnh có diện tích đất ba-zan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, nguồn lao động dồi dào có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển một số cây dược liệu trên quy mô lớn, đặc biệt là các cây dược liệu bản địa như bách bệnh, đẳng sâm, sa nhân...Ngoài ra Đắk Nông là tỉnh có tài nguyên rừng khá nhiều, độ che phủ chiếm gần 40% tổng diện tích đất, có môi trường thuận lợi cho phát triển một số cây dược liệu yêu cầu sinh thái dưới tán rừng. Vậy nên, tiềm năng về phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Đại diện cho ngành y tế địa phương, ông Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đắk Nông báo cáo với đoàn công tác Bộ Y tế:

Hiện nhân lực y học cổ truyền toàn tỉnh Đắk Nông có 121 người, trong đó, tuyến tỉnh 15 (12,4 %); tuyến huyện 53 (43,8 %); tuyến xã có 53 (43,8 %). Tại Sở Y tế đã bố trí 01 bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền bán chuyên trách tại phòng Nghiệp vụ Y - Dược tham mưu quản lý, chỉ đạo các hoạt động, tổ chức triển khai công tác y học cổ truyền trên toàn tỉnh.

Tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, đối với tuyến tỉnh, Bệnh viện đa khoa Đắk Nông (bệnh viện hạng II) có Khoa Y học cổ truyền gồm 15 biên chế, trong đó có 08 bác sĩ, cao đẳng vật lý trị liệu. Số giường bệnh thực kê là 38 giường. Tại tuyến huyện có 8 Trung tâm Y tế các huyện (đơn vị hạng III); có 7 khoa y học cổ truyền hoặc tổ Y học cổ truyền. Tuyến xã có tổng số 71 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; có 58 viên chức có trình độ chuyên môn về y học cổ truyền. Có 53/71 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ làm công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại...

Để đảm bảo y học cổ truyền hoạt động đúng quy định, công tác quản lý nhà nước, cấp chứng chỉ và tổ chức hoạt động hành nghề y dược cổ truyền trên địa bàn theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài các cơ sở công lập thì từ năm 2012 đến tháng 8/2022 có 46 cơ sở tư nhân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được cấp phép. Địa phương cũng đã chú trọng phát triển hội viên Hội Đông y. Quan tâm đến vùng sâu, vùng xa. Từng bước bồi dưỡng y thuật, y đạo cho hội viên để có nhiều thầy thuốc giỏi về chuyên môn, trong sáng về y đức, tận tâm phục vụ nhân dân.

Nhiều bác sĩ nghỉ việc

Đối với vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế, Đắk Nông triển khai dự án ở tuyến tỉnh là đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, với tổng mức đầu tư tối đa là 30.000 triệu đồng. Dự án tuyển huyện thì đầu tư nâng cấp và mua sắm trang thiết bị và cải tạo cơ sở hạ tầng cho các Trung tâm Y tế cấp huyện, với tổng mức đầu tư tối đa là 86.550 triệu đồng. Dự án tuyến xã thì đầu tư nâng cấp, cải tạo Trạm Y tế xã thuộc tỉnh Đắk Nông, với tổng mức đầu tư tối đa là 15.450 triệu đồng (cho 9 xã).

Empty

Liên quan đến phát triển mạng lưới Y học cơ sở đã sử dụng vốn vay ODA để xây dựng mới và sửa chữa 32 trạm y tế (16 xây dựng mới và 16 sửa chữa). Sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của ADB để mua sắm trang thiết bị cho các BVĐK thuộc huyện điểm…

Cùng với phát triển mạng lưới y tế thì Đắk Nông cũng đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19. Đến 13 giờ ngày 03/9, tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 toàn tỉnh Đắk Nông đạt 88,19%. Tiêm mũi 4 cho các nhóm đối tượng đạt tỷ lệ 93,63%. Đối với tiêm mũi 3 cho trẻ 12 đến 17 tuổi đạt tỷ lệ 69,26%. Đối với việc tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 toàn tỉnh đạt 90,34%; mũi 2 đạt 60,77%.

Đề cập vấn đề bác sĩ nghỉ việc ở Đắk Nông, từ năm 2018 đến nay có 63 bác sĩ nghỉ việc, 11 bác sĩ chuyển công tác ra ngoài tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 7 người nghỉ việc. Hầu hết các bác sĩ nghỉ việc sẽ chọn làm việc trong hệ thống y tế tư nhân ở các tỉnh phát triển, số ít xin vào làm viên chức ở các bệnh viện lớn bằng hình thức tuyển dụng trực tiếp. Nguyên nhân chính khiến các bác sĩ nghỉ việc là do thu nhập thấp. Một số đơn vị sự nghiệp y tế hiện được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, bguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế. Do áp lực công việc cao. Chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút đội ngũ trẻ…

Bên cạnh nhiều bác sĩ nghỉ việc, từ cuối tháng 4/2022, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đã giảm mạnh, công tác khám bệnh, chữa bệnh thường quy cho nhân dân được phục hồi và xu hướng tăng nhanh đáng kể. Việc sử dụng các dịch vụ y tế của người dân tăng cao, đồng thời nhu cầu thuốc, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh thời hậu COVID-19 đang tăng nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các đơn vị, một số nhóm thuốc cụ thể như: Thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất, thuốc tê nha khoa…

Mở ra nhiều hướng phát triển

Một số giải pháp được tỉnh Đắk Nông đưa ra là, tiếp tục cho phép xây dựng mới chính sách thu hút, đãi ngộ, tập trung cho khu vực kinh tế khó khăn và các vị trí cần thiết theo chế độ hợp đồng chuyên gia để triển khai và từng bước chuyển giao các danh mục kỹ thuật chuyên sâu có số thu lớn, góp phần tăng trưởng vượt bậc về nguồn thu thì mới nâng cao được thu nhập. Tranh thủ thu hút nguồn tài trợ của các tổ chức cá nhân, vốn trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng để bác sĩ có điều kiện triển khai các dịch vụ kỹ thuật đã được đào tạo. Giao chỉ tiêu số người làm việc cho các cơ sở y tế phù hợp cho từng năm và cả giai đoạn để thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng.

Từ tiềm năng, thực trạng của địa phương, nhiều cán bộ, chuyên gia từ Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng cho Đắk Nông. Ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhấn mạnh: Đắk Nông cần định hướng phát triển dược liệu gắn với du lịch. Phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng.

Empty

Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng đưa ra giải pháp: Đắk Nông muốn xây dựng được Bệnh viện Y học cổ truyền thì công tác chuẩn bị, đào tạo nhân lực cần đi trước một bước. Sở Y tế Đắk Nông cần nhanh chóng xây kế hoạch và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Phía một số đơn vị của Bộ Y tế sẽ có những hỗ trợ, hướng dẫn thiết thực, đào tạo bài bản, đặc biệt là bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ y học cổ truyền.

Phía Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, các kiến thức cần thiết về y học cổ truyền cho nguồn nhân lực của tỉnh Đắk Nông để chuẩn bị tốt nhất cho việc tiến tới thành lập Bệnh viện y học cổ truyền tại địa phương.

Sau khi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông cũng như vùng trọng điểm dược liệu của tỉnh này là huyện Đắk Song, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phân tích mang tính định hướng sâu sát. Cụ thể:

- Cần củng cố khoa/phòng khám bệnh y học cổ truyền ngay từ tuyến huyện.

- Tuyến xã đẩy mạnh khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

- Mỗi Trạm y tế xã cần có vườn thuốc nam mẫu. Từ vườn thuốc mẫu này khi người dân đến khám chữa bệnh nên có hướng dẫn, tuyên truyền cho họ cây thuốc nào chữa được bệnh gì để người dân có thể vận dụng sử dụng tốt các cây thuốc sẵn ở quanh nơi mình sinh sống hoặc có trong tự nhiên. Ví dụ như cây thuốc chữa tiêu chảy; thuốc chữa đau khớp; cây thuốc hạ sốt…Từ đó người dân nâng cao ý thức bảo vệ, trồng cây dược liệu. Nhất là đồng bào ở các thôn/bon vùng sâu, vùng xa.

- Xây dựng, củng cố đội ngũ y tế thôn bản cũng như các Hội đông y ngay từ tuyến cơ sở, phát huy mạnh vai trò của các Hội đông y. Kiện toàn Hội đông y cấp huyện để có những đóng góp tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với đó, duy trì tốt các danh mục kỹ thuật liên quan khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

- Về chứng chỉ hành nghề thì tuân thủ theo các quy định đã ban hành.

- Tính toán, đào tạo nguồn lực cho các Trạm y tế, nhất là nhân viên chuyên về y học cổ truyền. Nơi nào đủ điều kiện thì khám nơi nào chưa đủ điều kiện thì có thể tư vấn.

- Có thể khẳng định Đắk Nông có nhiều dược liệu quý. Cần đưa vào quy hoạch cho quy cũ.

- Thu hút mạnh các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư vào nuôi trồng; thu hái; chế biến dược liệu. Nếu có doanh nghiệp tích hợp được cả ba chức năng này thì càng tốt.

- Với chương trình phục hồi kinh tế hay chương trình ODA…địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện theo lộ trình và quy định.

- Vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng Đắk Nông cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ tiêm chủng.

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer