Đánh giá kết quả thí điểm học bạ số cấp tiểu học, triển khai cấp trung học, giáo dục thường xuyên

Ngày 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học và triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
28/12/2024 15:28

Gần 5 triệu học bạ trên hệ thống kho học bạ số của Bộ GDĐT

Ngày 11/2/2024 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giao Bộ GDĐT thực hiện thí điểm học bạ số năm học 2023-2024, triển khai đại trà từ năm học 2024-2025.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Bộ GDĐT đã khẩn trương, kịp thời triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học tại các địa phương. Bởi đây là việc mới, khó nên việc thực hiện, triển khai thận trọng, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra, chỉ đạo quyết liệt nhưng kỹ lưỡng.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện thí điểm ở cấp trung học và giáo dục thường xuyên. Đặc biệt là lấy kết quả, kinh nghiệm phù hợp ở triển khai thí điểm ở cấp tiểu học để áp dụng vào thí điểm cấp trung học, giáo dục thường xuyên trên tinh thần sử dụng, quản lý, triển khai an toàn, không phát sinh chi phí, bài bản, hiện đại.

Triển khai thí điểm học bạ số, các Sở GDĐT đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục.

HN

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Bộ GDĐT)

Báo cáo đánh giá kết quả thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài cho biết: Nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm Học bạ số, ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ GDĐT.

Đến nay, quá trình thí điểm học bạ số đã đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch, làm cơ sở để tiến tới hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc. Có 63/63 địa phương đã phối hợp với các nhà cung cấp cổng học bạ số, có các địa chỉ kết nối dữ liệu, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan đến học bạ số tại địa phương. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương.

Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn chuẩn đặc tả kỹ thuật về học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm học bạ số, tiếp nhận dữ liệu học bạ thí điểm từ các địa phương.

Tính tới hết ngày 27/12/2024, 100% các Sở GDĐT đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ GDĐT (hệ thống thử nghiệm). Có 63/63 Sở GDĐT đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GDĐT.

Có 63/63 Sở GDĐT đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GDĐT bao gồm với 4.938.675 Học bạ số cấp tiểu học chiếm tỷ lệ 69,6% (trong tổng số 7.093.352 học bạ cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 trong năm học 2023-2024).

Sẵn sàng triển khai liên thông các cấp học

Theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, với quy mô lớn, đa dạng về loại hình, trải rộng trên phạm vi toàn quốc, có vùng thuận lợi, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, nên việc triển khai học bạ số cần có bước đi, cách tiếp cận phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Quá trình thí điểm học bạ số đã cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh cấp tiểu học. Kết quả thí điểm học bạ số cho thấy khả năng đáp ứng tốt mục đích, yêu cầu và nội dung thí điểm.

Về việc triển khai diện rộng đối với cấp tiểu học, Bộ GDĐT yêu cầu thực hiện học bạ số theo mô hình kỹ thuật thống nhất, liên thông trong bậc học phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) bảo đảm về nội dung, giá trị pháp lý theo quy định pháp luật liên quan để thay thế học bạ giấy trong quản lý, sử dụng.

Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh cấp tiểu học bao gồm: Tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin Học bạ số, thực hiện các thủ tục hành chính sử dụng, liên quan đến học bạ số…); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đào tạo, cơ sở dữ liệu quốc gia; các yêu cầu về kỹ thật, công nghệ bảo đảm thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật về xác thực điện tử, bảo mật thông tin...

Trao đổi tại hội  nghị, Phó Giám đốc Sở GDĐT Bình Dương Nguyễn Văn Phong cho biết: Tỉnh Bình Dương đã chú trọng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên, ưu tiên bồi dưỡng các nội dung gắn liền với thực tế công việc như ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử, kỹ năng dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Để triển khai hiệu quả học bạ số trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên về triển khai quy trình thực hiện học bạ số, sử dụng chữ ký số…

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Sở GDĐT đã tham mưu và triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát và tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội thảo về ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, tham mưu UBND thành phố ban hành và ban hành các văn bản chỉ đạo đôn đốc các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thí điểm học bạ số. Đến thời điểm này, 100% các hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh, học bạ số tại các đơn vị đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu học bạ số dùng chung của sở.

Theo ông Hoàng Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ xác định phối hợp với Bộ GDĐT cấp chữ ký số triển khai học bạ số là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên. Đến nay, Ban Cơ yếu đã cấp 270.000 chữ ký số cho giáo viên đồng thời thiết lập các kênh thông tin để lắng nghe những phản hồi, kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong quá trình thực hiện nhằm hoàn thiện hệ thống triển khai.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh việc triển khai, thực hiện học bạ số là một công việc khó, phức tạp, có tác động lớn, diễn ra trên phạm vi rộng, thuận lợi và khó khăn của các địa phương là khác nhau. Vì vậy, Bộ GDĐT đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện thí điểm học bạ số từ các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các cơ quan, đơn vị phối hợp, các địa phương, nhà trường và giáo viên đã chủ động, vượt khó.

Để triển khai hiệu quả học bạ số trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương phải bám sát mục đích, yêu cầu Đề án 06 của Chính phủ và kế hoạch triển khai của Bộ GDĐT. Đặc biệt là thống nhất trong chỉ đạo toàn ngành, phân cấp, phân quyền, rõ nhiệm vụ. Phải gắn kết chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Thứ trưởng đề nghị tổng hợp ý kiến góp ý từ các đơn vị, địa phương để tham mưu cho Ban chỉ đạo, từ đó có hướng giải quyết phù hợp; đồng thời tập trung rà soát các văn bản pháp lý liên quan để thống nhất các khái niệm, thuật ngữ, nội hàm khi triển khai.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer