Chống hàng giả thời đại số: Cần một hệ sinh thái truy xuất quốc gia

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và làm suy giảm niềm tin vào sản phẩm nội địa, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm xây dựng một hệ thống định danh và truy xuất nguồn gốc thống nhất, minh bạch, vận hành theo thời gian thực và có khả năng kết nối dữ liệu đa ngành. Đây là một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo “Xác thực – Truy xuất nguồn gốc: Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số” do Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia tổ chức vào ngày 8/7 tại Hà Nội.
09/07/2025 08:29

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Phạm Minh Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia – chỉ rõ 9 điểm hạn chế lớn trong công tác truy xuất nguồn gốc hiện nay tại Việt Nam. Theo đó, hệ thống truy xuất còn thiếu mã định danh duy nhất, dữ liệu chưa được liên thông giữa các bộ ngành, việc xác thực chủ yếu mang tính hình thức, chưa truy vết đến tận gốc. Bên cạnh đó, việc kiểm soát hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử còn lỏng lẻo, người tiêu dùng thiếu công cụ xác minh, trong khi cơ quan chức năng phải xử lý các vụ việc theo phương pháp thủ công.

Empty

Đại tá Phạm Minh Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia phát biểu tại hội thảo

“Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống truy xuất, dữ liệu phân tán và thiếu cơ chế kiểm tra chất lượng sản phẩm theo chuỗi. Điều này khiến việc chống hàng giả gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thương mại số phát triển nhanh chóng như hiện nay,” ông Tiến nhận định.

Số liệu từ lực lượng quản lý thị trường cho thấy, chỉ riêng trong năm 2024, đã có hơn 47.000 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng được phát hiện và xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2025, con số này tiếp tục tăng cao với hơn 50.000 vụ, trong đó có hơn 3.300 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Ông Bùi Bá Chính – Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia – cảnh báo, hàng giả hiện nay không chỉ làm giả thương hiệu mà còn giả mạo cả chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Những vụ việc như sữa trẻ em, dầu ăn, dược phẩm bị làm giả đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tại hội thảo, bà Marion Chamindae – Tham tán Nông nghiệp Pháp tại Đông Nam Á – chia sẻ bài học kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng “bò điên” (BSE) xảy ra tại châu Âu những năm 1990. Sau sự kiện này, Pháp đã thiết lập hệ thống hồ sơ điện tử, gắn mã QR và áp dụng công nghệ blockchain để theo dõi toàn bộ vòng đời sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra được toàn bộ quy trình sản xuất, giết mổ, phân phối… của từng sản phẩm.

Hiện nay, 76% người tiêu dùng tại châu Âu quan tâm đến thông tin truy xuất nguồn gốc, cho thấy xu hướng minh bạch hóa đang ngày càng trở thành đòi hỏi thiết yếu.

Empty

Quang cảnh buổi hội thảo

Trên cơ sở phân tích thực trạng và học hỏi mô hình quốc tế, ông Nguyễn Huy – Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia – giới thiệu hệ thống NDATrace: nền tảng định danh và truy xuất nguồn gốc quốc gia do Việt Nam phát triển.

NDATrace được thiết kế gồm ba hợp phần chính: định danh, xác thực và truy xuất. Hệ thống này sử dụng công nghệ blockchain và dữ liệu lớn, đảm bảo vận hành theo thời gian thực, có thể liên kết với các nền tảng khác như NDA Chain, NDA DID… Hệ thống không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất sản phẩm mà còn giúp cơ quan quản lý giám sát chất lượng, phát hiện gian lận và xử lý vi phạm một cách hiệu quả.

“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là nền tảng dữ liệu lõi phục vụ cho quản trị sản phẩm, từ cấp mã số, mã vạch cho đến xác thực nguồn gốc, giúp doanh nghiệp Việt tăng năng lực cạnh tranh và chống hàng giả một cách căn cơ,” ông Huy khẳng định.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, để hệ thống truy xuất phát huy hiệu quả, cần có sự đồng bộ từ chính sách đến công nghệ. Ông Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc CNTT Công ty CP Dược phẩm ECO – chia sẻ, hiện nay phần lớn hệ thống truy xuất mà doanh nghiệp sử dụng là nội bộ, không liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia, dẫn đến tốn kém và không hiệu quả.

“Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm ban hành tiêu chuẩn dữ liệu chung, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối hạ tầng truy xuất, từ đó giảm chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo tính minh bạch và tin cậy,” ông Tuấn Anh đề xuất.

Các chuyên gia đều thống nhất rằng, xây dựng một nền tảng định danh và truy xuất quốc gia không chỉ nhằm chống hàng giả mà còn là chìa khóa để phát triển kinh tế số, thúc đẩy xuất khẩu, bảo vệ thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Đây cũng là công cụ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thực phẩm, dược phẩm và thương mại điện tử.

Để đạt được mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà nước cần xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp, hỗ trợ hạ tầng dữ liệu; doanh nghiệp cần chủ động áp dụng công nghệ truy xuất và minh bạch hóa sản phẩm; người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, chủ động sử dụng các công cụ kiểm tra sản phẩm chính hãng.

Cuộc chiến chống hàng giả sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Nhưng với một hệ thống truy xuất minh bạch, đồng bộ, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo dựng một thị trường hàng hóa lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và hướng đến phát triển bền vững trong thời đại số.

Thanh Tùng - Đức Anh 

comment Bình luận