Đầu tư, phát triển cây dược liệu: Liên kết “4 nhà” và những vấn đề thực tiễn sau một chặng đường thử nghiệm

Dược liệu là loại sản phẩm đặc thù nên để đi đến mục tiêu trở thành hàng hóa có giá trị, hiệu quả về mặt kinh tế khi đầu tư sẽ cần nhiều hơn những nền tảng cơ sở nghiên cứu khoa học và chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất. Mối liên kết trong mô hình “4 nhà” trên thực tế là nhằm hiện thực các quan hệ trên cơ sở chia sẻ những quyền lợi có tính lợi ích một cách hợp lý.
26/05/2022 14:25

Trong thời đại công nghiệp hóa, sản phẩm thương mại trên mọi lĩnh vực ngành nghề đều gắn với kỹ thuật, công nghệ và những giải pháp liên kết hỗ trợ lẫn nhau ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng tới sản phẩm cụ thể. Dược liệu là loại sản phẩm đặc thù nên để đi đến mục tiêu trở thành hàng hóa có giá trị và hiệu quả về mặt kinh tế khi đầu tư sẽ cần nhiều hơn những nền tảng cơ sở nghiên cứu khoa học và chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất. 

Nhằm hiện thực các quan hệ trên cơ sở chia sẻ những quyền lợi có tính lợi ích một cách hợp lý, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng khoa Nông - Lâm, trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai đã trình bày báo cáo khoa học về “Đầu tư, phát triển cây dược liệu: Liên kết “4 nhà” và những vấn đề thực tiễn sau một chặng đường thử nghiệm” tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội).

Nhà nước thông qua chính sách và bao gồm cả những chế tài quản lý để hỗ trợ, kết nối các mối liên kết giữa Nhà đầu tư; Nhà khoa học; Nhà nông đồng thời giữ vai trò một bên tham gia đảm bảo duy trì sự cân bằng các lợi ích của các bên tham gia. Nhà đầu tư khai thác lợi nhuận thông qua tiến trình hình thành sản phẩm từ nguồn vốn bỏ ra để khai thác từ sự kết hợp năng lực sản xuất (Nhà nông) và Nhà khoa học để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng đúng mục tiêu yêu câu cầu của thị trường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau một thời gian áp dụng, thị trường nói chung và lĩnh vực dược liệu nói riêng đã có nhiều mô hình liên kết “4 Nhà” trên cả nước đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trải qua thực tế cũng có nhiều vướng mắc đặt ra hiện chưa tìm được giải pháp tốt nhất. Các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên hợp đồng liên kết thiếu các thỏa thuận và cam kết chặt chẽ. Các mô hình liên kết hình thành tự phát trên nhu cầu của Nhà đầu tư là chính nên khó mở rộng và phát triển.

Nhà nước sẽ giải quyết như thế nào trong trường hợp 1 trong 3 Nhà còn lại không đáp ứng được yêu cầu hoặc vi phạm thỏa thuận liên kết?

- Sự tham gia của Nhà khoa học không chỉ đơn thuần là các vấn đề kỹ thuật, nó có ý nghĩa như một sự đảm bảo chắc chắn về mặt chất lượng; tiêu chuẩn đối với sản phẩm trong liên kết; có nhiều vấn đề liên quan quyền sở hữu trí tuệ; bản quyền; tác quyền. trong các hợp đồng chuyển giao hoặc nghiên cứu mới… Nếu nói sự tham gia của Nhà khoa học đã được thanh toán kinh phí; chi phí trong các hợp đồng chuyển giao; ứng dụng… Như một sự hỗ trợ phát triển từ Nhà nước thì trách nhiệm của Nhà khoa học sẽ như thế nào nếu các nội dung khoa học đã được chuyển giao; được ứng dụng thông qua với sự tham gia của các Nhà khoa học lại không đạt hoặc cho ra sản phẩm sai, dẫn đến thiệt hại cho Nhà đầu tư và Nhà nông (nhà sản xuất)?

- Đối với Nhà đầu tư: Ngoài các rủi ro thường có trong kinh doanh như: biến động thị trường; các trường hợp bất khả kháng. Các Nhà đầu tư thường xây dựng dự án trên cấu trúc nguồn vốn tự có và vốn vay (Vốn huy động). Trên thực tế thì luật và chính sách đã đề ra khá nhiều hành lang lẫn qui định cụ thể trong vấn đề vốn cho đầu tư nông nghiệp nhưng rất khó tiếp cận và nếu có thường không đảm bảo mức tối thiểu cho kế hoạch đầu tư. Trong trường hợp này, các đảm bảo của Nhà đầu tư trong liên kết phát triển cũng có nguy cơ không thực hiện được nhưng thường lại không được đưa vào hợp đồng vì không có cơ sở để áp dụng. Làm sao để Nhà đầu tư yên tâm và mạnh dạn đầu tư cho phát triển dược liệu?

- Về phía Nhà nông (bên chịu trách nhiệm chính là triển khai canh tác; thực hiện kế hoạch/dự án). Xét về mặt rủi ro thì trong trường hợp xấu nhất, Nhà nông sẽ mất công lao động và chi phí chăm sóc. Nhưng khả năng xấu nhất này thường ít xảy ra mà vấn đề giảm giá; bế tắc đầu ra sau sản xuất lại xuất hiện nhiều và là nỗi lo phổ biến nhất hiện nay. Nguyên nhân là gì và xác định mấu chốt cơ sở để xử lý từ đâu?

Nhà nước cần chi tiết hóa các chính sách thành luật

- Nhà nước không thể đảm bảo chức năng phân xử hay thuyết phục bất cứ bên nào trong một liên kết kinh tế mà không có các cơ sở mang tính áp chế. Việc cụ thể hóa từ chính sách hỗ trợ; trách nhiệm và quyền lợi các bên được Nhà nước bảo hộ trên thực tế đã được qui định từ nhiều luật và văn bản dưới luật khác tương đối đầy đủ nhưng lại thiếu rất nhiều các chế tài và cả những điều kiện để giữ được tính công bằng cho lợi ích các bên. Từ đó tạo ra không ít khó khăn khi phân định các quyền lợi chính đáng, hợp lý cũng như biện pháp chế tài có thể áp dụng với các hành vi cản trở việc thực thi chính sách đó.

- Tâm lý chung của nhà đầu tư là tập trung vào lợi ích tối đa; phía nhà khoa học thì không thấy có sự công bằng với giá trị khoa học trong chuỗi lợi ích mà sản phẩm mang lại trong khi người dân (Nhà nông) thì đã quen với tư duy manh mún; thụ động và cả vô trách nhiệm ngay cả khi đạt được lợi ích mong muốn trước đó. Trong liên kết chỉ cần một bên thiếu trách nhiệm thiếu thiện chí hoặc thiếu một điểm tựa chắc chắn từ chính sách thì toàn bộ mối quan hệ trong liên kết “4 Nhà” sẽ kém hiệu quả hoặc có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.

Ví dụ về chính sách hỗ trợ vốn đầu tư nông nghiệp:

+ Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã được Ngân hàng nhà nước cụ thể hóa chính sách có thể nói là tương đối tốt: đối với tổ chức, cá nhân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị phương án sản xuất kinh doanh; nhưng thực tế doanh nghiệp đầu tư dự án trồng dược liệu gần như không vay được ngay cả khi đã đầu tư quá nửa chi phí của dự án. Ngân hàng có rất nhiều lý do để từ chối, thậm chí từ chối thẳng nếu không có tài sản thế chấp mà không cần xem chi phí đã đầu tư như là giá trị đối ứng mà chính sách đã qui định rất rõ ràng.

+ Một chính sách khác là Nghị định số 210/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Điều chỉnh bổ sung (Điều 12) bởi Nghị định 65/2017/NĐ-CP quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Nghị định 65 có hiệu lực từ năm 2017, nhưng qui định mức hỗ trợ chung là 15 triệu đồng/ha cho cây giống gần như không ý nghĩa gì với các loại dược liệu quý hiếm/đặc biệt quý hiếm vì chi phí cây giống đầu tư nhóm cây này rất lớn. Tất nhiên là chính sách không thể chi tiết từng loại cây dược liệu, cũng không điều chỉnh giá cây giống từng loại nhưng cần có những qui định phù hợp theo nhóm hoặc theo khung giá trị trung bình thì vấn đề hỗ trợ sẽ công bằng và hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

+ Một ví dụ khác về thiếu hụt sự thể hiện vai trò của Nhà nước trong mô hình liên kết “4 Nhà” là các dự án được Nhà đầu tư “bỏ vốn” theo hình thức bao tiêu sản phẩm. Sau khi đầu tư, đến lúc thu hoạch thì xuất hiện tình trạng tranh mua với giá cả chỉ nhích hơn giá bao tiêu chút ít thì “Nhà nông” không bán sản phẩm cho Nhà đầu tư nhưng Nhà nước không có chính sách hay cơ chế nào can thiệp dù mức chênh lệch thậm chí không bằng chi phí tài chính, thấp hơn cả mức trượt giá đối với phần vốn Nhà đầu tư đã bỏ ra.

Cần minh bạch và rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của Nhà khoa học trong liên kết “4 Nhà”

Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học hầu hết đều trong hệ thống Nhà nước quản lý. Các chính sách về quyền lợi từ bản quyền khoa học và chế độ sử dụng bản quyền khoa học công nghệ do đó có xu hướng là tài sản chung; chịu sự điều phối của Nhà nước. Một số Nhà khoa học có chuyên môn sở hữu các nghiên cứu khoa học chọn phương án “thoát ly” để thành lập doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa lợi ích bản quyền khoa học công nghệ do chính mình nghiên cứu hoặc tiếp cận được. Một số đơn vị khoa học muốn tìm kiếm giải pháp góp vốn bằng bản quyền khoa học công nghệ nhưng gặp khó khăn trong việc xác định giá trị bản quyền và nhiều vướng mắc khác mang tính thủ tục. đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng càng khó khăn hơn vì nhiều lĩnh vực khoa học với nhiều tiêu chuẩn khắt khe bắt buộc phải tham gia cùng mới đi đến sản phẩm cuối cùng: Công nghệ sinh học giai đoạn nhân giống; phân tích dược chất; hóa lý trong phân tích thổ nhưỡng; hóa dược trong chế biến...

Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho kế hoạch đầu tư, các bên tham gia trong liên kết “4 Nhà” cần có những thỏa thuận minh bạch; rõ ràng về quyền lợi cũng như trách nhiệm của Nhà khoa học một cách hợp lý, từ đó mới đảm bảo khuyến khích Nhà khoa học đóng góp chất lượng khoa học tốt nhất vào chuỗi liên kết. Đặc biệt, trong lĩnh vực dược liệu, có nhiều sản phẩm mà giá trị chỉ có được bởi các bí quyết chế biến mà các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại không dễ tiếp cận, thay thế được. Để khai thác được những bí quyết dạng này; về phía Nhà nước cần có những cơ chế đánh giá, công nhận theo dạng hậu kiểm, đảm bảo tôn trọng như một bí mật công nghệ chưa được xã hội hóa.

Mọi liên kết chỉ bền vững khi được xây dựng trên một nguyên tắc rõ ràng và mỗi bên đều có trách nhiệm tôn trọng và xây dụng những cam kết được bảo đảm bằng trách nhiệm một cách nghiệm túc.

Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng khoa Nông - Lâm, trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai

comment Bình luận

largeer