Đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường, cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào chiều ngày 21/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường, cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
22/06/2022 14:27

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản, khuyến nghị các đơn vị giảm chi phí trung gian để giảm giá sách trong bối cảnh sách giáo khoa được cho là giá cao, gây khó khăn cho nhiều gia đình.

Theo đại diện Bộ Tài chính, giá sách cao hơn trước do trong cơ cấu giá có chi phí phát hành, chi phí đầu tư để tổ chức bản thảo. Đây là khoản trước đây sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn ODA. Các nhà xuất bản cũng phải chi thêm nhiều khoản phí khác như truyền thông, triển khai thị trường, tập huấn sử dụng sách. Bên cạnh đó, giá sách cao còn do thay đổi về mặt chất lượng, khổ giấy...

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp tăng cường tuyên truyền, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vì sách giáo khoa là vấn đề liên quan trực tiếp đến đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo, tham khảo kinh nghiệm các nước và thực tiễn triển khai ở Việt Nam để trả lời một số câu hỏi như: dự kiến số lượng bộ sách ở Việt Nam thời gian tới; tính ổn định của nội dung, khả năng sử dụng lại nhiều lần của các bộ sách sau khi hoàn thành lộ trình đổi mới, tiến tới thực hiện số hóa, triển khai sách giáo khoa điện tử; đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề định giá, hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp...

Về hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn dùng.

Ở một số quốc gia, học sinh không cần mua sách giáo khoa. Tại Nga, các em được trường phát sách vào đầu năm và thu lại vào cuối năm. Ở Nhật, sách giáo khoa được phát miễn phí ở trường công. Phía sau mỗi cuốn đều in thông điệp "Cuốn sách giáo khoa này được gửi gắm đến các bạn là những chủ nhân tương lai của Nhật Bản. Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận".

Còn tại Mỹ, chi phí mua sách do trường chi trả. Học sinh dùng sách tại trường như tài liệu tham khảo, không mang về nhà. Giáo viên dạy chủ yếu dựa vào khung chương trình và ít sử dụng sách giáo khoa.

Trong chỉ thị ngày 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách để sử dụng lâu bền. Bộ cũng yêu cầu các trường bố trí kinh phí hợp lý để mua sách cho thư viện, giúp học sinh mượn; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách cũ cho các khóa sau sử dụng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 16/6 nêu sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 1 trong năm học 2020. Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa".

Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer