Dịch bệnh Covid-19 lan ra 19 tỉnh, thành trên cả nước

Tối 7/5, Việt Nam ghi nhận thêm 40 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca Covid-19 trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư lên 161, tại 19 tỉnh, thành.
08/05/2021 08:39

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có nhiều ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình... một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế; sự biến chủng của SARS-CoV-2.

Việt Nam cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau tiêm vaccine Covid-19, là nữ nhân viên y tế 35 tuổi, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang. Hội đồng chuyên môn Sở Y tế An Giang kết luận chị tử vong do "sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19".

Trong khi đó, nhiều địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly xã hội trong 15 ngày toàn TP Vĩnh Yên theo Chỉ thị 16 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ 0h ngày 7/5. TP Vĩnh Yên "đảm bảo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã (phường) cách ly với xã (phường)".

Phong tỏa ba cơ sở Bệnh viện K Quán Sứ, Tân Triều, Tam Hiệp do ghi nhận 11 ca Covid-19 tại đây, là bệnh nhân và người nhà. Trong đó một bệnh nhân từng điều trị một tháng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội). Hiện khoảng 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà tại ba cơ sở trong vòng phong tỏa.

Đến hiện trường phong tỏa, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá nguy cơ ở Bệnh viện K phức tạp hơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì người bệnh đến từ khắp các tỉnh phía bắc. "Khoảng 5.000 người đang bị phong tỏa nên năng lực truy vết tương ứng phải nhanh lên, hiệp đồng khẩn trương giữa các bên. Chậm giờ nào là khó giờ đó", ông nhấn mạnh.

Trong ngày, 4 xe phun hóa chất khử khuẩn trong và ngoài Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì. Với 16.000 người từng đến khám ở cơ sở này từ ngày 16/4 đến nay, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết trước mắt họ sẽ phải cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe. Với người đến khám, điều trị tại khoa có ca dương tính từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đang xem xét cho cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.

benh-vien-k-tan-trieu

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bị phong tỏa từ sáng 7/5. Ảnh: Ngọc Thành

Chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành, yêu cầu các địa phương cần áp dụng giãn cách xã hội theo phân cấp nhưng phải tránh tối đa tác động xã hội, đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu sản xuất qua địa bàn.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, do lơ là, chủ quan và mất cảnh giác của một số địa phương cũng như người dân trong mấy ngày nghỉ lễ nên dịch đã lan ra một số tỉnh thành. Nhiệm vụ lúc này là cả nước vừa chống dịch và khắc phục hậu quả, vừa phát triển kinh tế. "Ta chuyển từ trạng thái chủ yếu phòng ngự sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, nhưng tấn công là chính", ông nói.

Việc tiếp cận vaccine của Việt Nam không hề dễ dàng vì nhu cầu thế giới rất lớn, vì vậy Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm tiếp cận vaccine bằng mọi cách, mọi nguồn. Lượng vaccine đã có phải sử dụng hiệu quả, ưu tiên tuyến đầu.

thu-tuong-pham-minh-chinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về phòng chống Covid-19, chiều 7/5. 

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, có tình trạng quản lý cách ly chưa nghiêm, khách sạn không lắp camera, người trong diện theo dõi vẫn đi liên hoan, hát karaoke. Gần 20.000 chuyên gia, lao động nước ngoài đã nhập cảnh, cách ly tại khách sạn trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành không có kế hoạch quản lý chặt nhóm người này trước khi đề xuất cho nhập cảnh.

Ông đề nghị toàn bộ người kết thúc cách ly tập trung cần được bàn giao cho tổ dân phố nơi sinh sống; người lao động bàn giao cho doanh nghiệp, cơ quan trực thuộc.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đợt dịch lần này ở mức báo động cao vì đa nguồn lây, đa chủng virus, lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát. Thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm ổ dịch mới, nguồn lây mới. Đó là lý do xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng là cách duy nhất để phát hiện nhanh, sớm Covid-19, kịp thời khoanh vùng dập dịch, không cho lây lan.

Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng 8 loại sinh phẩm sản xuất nội địa, 26 loại nhập khẩu, đủ phục vụ nhu cầu xét nghiệm nCoV của cả nước. Ông Long khẳng định phương pháp test nhanh bằng kháng nguyên có độ đặc hiệu, tính chính xác gần tương đương phương pháp xét nghiệm khẳng định PCR. Do đó, các địa phương phải sử dụng rộng rãi loại test nhanh này, để đẩy nhanh tốc độ tầm soát, phát hiện và khoanh vùng dịch sớm, song song với làm xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR.

Tối cùng ngày, báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng nguồn lây bệnh ở viện là từ cộng đồng. Qua rà soát, các khu điều trị Covid-19 được cách ly rất chặt chẽ, không có người nhiễm. Các ca bệnh ghi nhận vừa qua chủ yếu xuất hiện ở các khoa điều trị bệnh thông thường.

Bệnh viện đã giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm một số bệnh nhân, ghi nhận xuất hiện biến chủng Ấn Độ B.1.617 và biến chủng Anh. Đây là các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, vì thế gây ra nhiều ca nhiễm trong bệnh viện. Đến chiều nay, bệnh viện đã ghi nhận 41 ca bệnh.

Đến hết ngày 7/5, cả nước ghi nhận 161 ca bệnh ngoài cộng đồng, gồm: Hà Nội 71 ca; Vĩnh Phúc 26; Hà Nam 15; Bắc Ninh 12; Đà Nẵng 10, Hưng Yên 8; Thái Bình 5; Hải Dương 3; TP HCM, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Nam Định, Phú Thọ mỗi nơi một.

Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, đến nay có 747.820 người tại 57 tỉnh thành phố đã được tiêm vaccine Covid-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly là hơn 42.000. Trong đó, số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 685, tại cơ sở khác hơn 21.000, còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

 

Minh An

comment Bình luận

largeer