Dịch COVID-19: Vấn nạn vaccine trôi nổi và thuốc chữa theo lời đồn vô căn cứ

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn căng thẳng và biến thể Delta lây lan nhanh, những thông tin về về các loại thuốc được quảng cáo là có thể chữa được bệnh, mua vaccine trôi nổi …. lan truyền trên các mạng xã hội khiến không ít người nghe theo, gây khó khăn thêm cho công cuộc phòng chống COVID-19 toàn cầu.
28/07/2021 10:34
vacine

 vaccine giả và chữa bệnh theo mạng xã hội

Mạng xã hội Facebook cho biết, trong thời gian qua đã gỡ bỏ 18 triệu mẩu thông tin sai lệch về COVID-19, song nhiều chuyên gia xã hội nhận định rằng hàng triệu người sử dụng mạng xã hội vẫn gặp phải tin giả hàng ngày. Thực tế, “đại dịch tin giả ” nguy hiểm không kém đại dịch COVID-19.

 Thời gian gần đây, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Mỹ đã bị trì hoãn khi không ít người e ngại không muốn tiêm. Theo giới chức y tế Mỹ, sự gia tăng đột biến hiện nay về số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên khắp nước Mỹ hầu như chỉ xảy ra ở những người chưa được tiêm phòng. 

Nhiều quan chức liên bang Mỹ nhận định rằng những thông tin sai lệch về vaccine COVID-19 đã và đang đe dọa nỗ lực chặn đứng đại dịch và cứu sống người dân. “Thông tin sai lệch là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó có thể gây nhầm lẫn, ngờ vực, gây hại cho sức khỏe của mọi người và phá hoại các nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng” - Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy khẳng định.

 Sự việc nghiêm trọng đến mức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích các mạng xã hội đang “sát hại con người” khi không thể kiểm soát những thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và việc tiêm phòng. Nhà Trắng đang gia tăng áp lực đối với các công ty truyền thông xã hội nhằm loại bỏ những thông tin sai lệch về việc tiêm vaccine COVID-19.

Trong một diễn biến khác, hiện nay xuất hiện rất nhiều người bán vaccine COVID-19 giả trên mạng, tại nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mexico, Australia... Công ty Pfizer cho biết đã xác định những trường hợp làm giả vaccine COVID-19 của hãng này tại Mexico và Ba Lan. Trước đó, lực lượng chức năng tại Nam Phi đã triệt phá kho vaccine COVID-19 giả khoảng 2.400 liều.

Theo Công ty an ninh mạng Check Point tại Thủ đô Tel Aviv (Israel), tới thời điểm này, họ đã phát hiện hàng nghìn trường hợp rao bán vaccine COVID-19 trên mạng. Những kẻ lừa đảo tuyên bố có đủ loại vaccine Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sputnik V. Theo báo Wall Street Journal, trường hợp giao bán vaccine COVID-19 giả trên mạng gia tăng theo cấp số nhân và tất cả những người bán hàng đều rất sẵn sàng chuyển hàng tới mọi nơi.

Theo các chuyên gia bảo mật Mỹ - những người đã thử đặt mua vaccine từ một trong các nhà bán hàng online nhưng hàng không bao giờ tới và người bán cũng biến mất luôn sau giao dịch. Tổng thư ký INTERPOL - ông Jurgen Stock nhận định, trong thời gian tới, thế giới sẽ tăng thêm các loại hình tội phạm liên quan vaccine COVID-19.

 Tình trạng phòng ngừa và chữa COVID-19 theo "lời mách" trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Tại Indonesia, một số đoạn video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân nước này đổ xô đi mua một loại sữa bột vì có tin đồn vô căn cứ rằng loại sữa này có thể tạo ra kháng thể chống lại COVID-19. Do xu hướng mua sắm mới, giá của nhãn sữa này tăng 455% tại Indonesia. Trong khi đó, vẫn chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chỉ ra việc uống loại sữa này có thể phòng chống dịch COVID-19.

Tương tự, một tài khoản có tên “Kẹo ong Anh” trên mạng xã hội tuyên bố kẹo này có thể chống lại các loại virus nói chung, trong đó có COVID-19 thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Tuy nhiên, Tiến sĩ Faheem Younus, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Maryland (Mỹ) nhận xét cụm từ “tăng cường hệ miễn dịch” là rất chung chung và khẳng định không có bằng chứng nào chứng minh tác dụng chống COVID-19 của kẹo ong.

Gần 6000 người phải nhập viện vì thông tin sai lệch 

 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng “hành động dựa trên thông tin sai lệch có thể trả giá bằng cả tính mạng”. WHO cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới, gần 6.000 người trên toàn cầu đã phải nhập viện, trong khi ít nhất 800 người có thể đã chết do thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19.

Trước nạn tin giả tràn lan, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến cáo độc giả cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin. Người đọc cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào. Giữa nhiều luồng thông tin hỗn loạn, độc giả nên tìm đọc tin, bài viết trên trang chính thống, có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Về vấn nạn vaccine giả, hiện các quốc gia đang những biện pháp như tăng cường các chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các nguy cơ có thể gặp nếu mua vaccine từ các nguồn bên ngoài hệ thống y tế, như mua trên mạng.

Cơ quan hữu trách hướng dẫn người dân cách nhận ra việc dán nhãn hay đóng gói không đúng để phát hiện hàng giả. Một biện pháp nữa là giám sát các giao dịch khả nghi liên quan tới các phương tiện và thiết bị cần để sản xuất và đưa ra thị trường vaccine giả, trong đó có xilanh, lọ đựng, nắp, dụng cụ đóng nắp, công cụ và thiết bị in ấn (tên nhãn vaccine COVID-19 hoặc giấy chứng nhận).

Hãng dược Pfizer cho biết họ đã áp dụng “các biện pháp an ninh mạnh nhất” trong đóng gói sản phẩm để có thể quan sát được những liều vaccine của họ đang được đưa tới đâu. Công ty này đang sử dụng các cảm biến nhiệt có gắn định vị GPS và một tháp kiểm soát riêng của Pfizer để theo dõi vị trí cũng như nhiệt độ theo thời gian thực của mỗi lô hàng vaccine COVID-19 trên toàn lộ trình vận chuyển đã được thiết lập trước.

(Theo SKDS)

comment Bình luận

largeer