Điều trị cho nam thanh niên 17 tuổi bị viêm phế quản "nhựa" hiếm gặp

Bệnh nhân T.B.M. (17 tuổi) cảm thấy đau tức ngực trái trong một thời gian dài, thi thoảng có đợt ho khạc ra cặn đặc màu trắng. Gần đây xuất hiện khó thở ngày càng tăng lên.
08/07/2024 08:35

Bệnh nhân T.B.M. (trú tại Thái Nguyên) vốn khỏe mạnh bình thường. Nhưng khoảng 1 tháng trước ngày nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, ho khan, đau ngực kèm theo khó thở tăng dần.

Bệnh nhân đã được thăm khám tại một số cơ sở y tế và được chẩn đoán tràn dịch màng tim số lượng nhiều và có nguy cơ chèn ép tim. Dịch dẫn lưu ra có màu trắng như sữa mỗi ngày được khoảng 200 đến 300 ml. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để điều trị.

449841162_920047796833336_5004031513506989612_n

Bệnh nhân và phần viêm phế quản "nhưa"

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gầy yếu, suy kiệt với dẫn lưu dịch màng tim vẫn chảy ra ngoài hàng ngày mà không thuyên giảm. Qua kiểm tra ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh lý tràn dịch dưỡng chấp màng tim tự phát không rõ nguyên nhân, đây là một bệnh rất hiếm gặp. Đồng thời, qua khai thác, các bác sĩ nhận thấy trong tiền sử bệnh nhân này có nhiều lần ho khạc ra chất dịch màu trắng đặc sệt giống như thạch.

Qua quá trình thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ kết luận đây là một bệnh lý hiếm gặp do bất thường giải phẫu một nhánh của ống ngực đi vào phế quản trái và vào màng tim. Vì thế nên dịch dưỡng chấp thay vì đi vào tĩnh mạch thì có một phần đi vào đường thở và vào màng tim gây nên tràn dịch dưỡng chấp màng tim và ho ra dịch dưỡng chấp, trong y văn gọi là bệnh lý viêm phế quản "nhựa" (plastic bronchitis).

Đánh giá được tính cấp thiết và phức tạp của phẫu thuật, các bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành can thiệp tìm ra nhánh bạch huyết bất thường và nút tắc thành công cho bệnh nhân.

Sau một tuần điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân đã được rút dẫn lưu dịch màng ngoài tim, các xét nghiệm lâm sàng cho thấy không còn dịch màng tim, soi phế quản không còn hiện diện của dịch dưỡng chấp.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Cương, thủ thuật viên chính thực hiện can thiệp, bệnh lý viêm phế quản "nhựa" và tràn dịch dưỡng chấp màng ngoài tim xảy ra đồng thời do một dị dạng đường đi của ống ngực là rất hiếm gặp. Biểu hiện của bệnh viêm phế quản "nhựa" là bệnh nhân có nhiều đợt ho ra dịch và cặn màu trắng, bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ mắc chứng tim bẩm sinh sau phẫu thuật Fontan, hiếm khi gặp ở người khỏe mạnh.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer