Đồng Nai tăng cường các giải pháp phòng chống bệnh dại

Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành công văn về việc triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
15/08/2023 16:16

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu UBND huyện, thành phố triển khai các hoạt động phòng bệnh phù hợp với tình hình ở địa phương, thường xuyên kiểm tra bảo đảm việc phòng chống bệnh dại được chấp hành theo đúng pháp luật. Đặc biệt thực hiện khẩn cấp việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại ở 3 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất và lưu ý những xã, thị trấn đã xảy ra dịch bệnh như xã Sông Trầu (Trảng Bom), thị trấn Hiệp Phước và xã Phước An (Nhơn Trạch), Thị trấn Dầu Giây (Thống Nhất).

Chú trọng giám sát tình hình dịch bệnh ở những khu vực có nguy cơ phát dịch cao, kịp thời phát hiện và xử lý nhanh chóng không để dịch bệnh lây lan. Rà soát thống kê những hộ dân nuôi chó, mèo, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm chỉnh việc khai báo và chấp nhận nuôi nhốt chó mèo, không cho chó chạy rông, rõ mõm khi đưa chó ra ngoài theo đúng quy định quản lý chó mèo.

Đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ vắc xin phòng bệnh dại, phổ biến các địa điểm tiêm vắc xin và hướng dẫn cho người bị chó mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để điều trị dự phòng kịp thời. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm theo quy định về nuôi chó và tiêm vắc xin dại theo quy định của pháp luật.

Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo (ảnh CDC Đồng Nai)

Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo (ảnh CDC Đồng Nai)

Ngoài ra, Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho nhân viên trực hàng tuần đảm bảo công tác tiêm vaccine phòng bệnh dại, kịp thời chia sẻ thông tin khi phát hiện trường hợp bị chó mèo cắn, điều tra nguyên nhân xác minh thông tin để kịp thời xử lý và ngăn chặn ổ dịch. Cùng với đó, mỗi năm Sở Y tế sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan về tăng cường truyền thông phòng chống bệnh dại vào ngày “Thế giới phòng chống bệnh dại 28-9”.

Được biết, từ cuối năm 2022 đến nay đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại ở thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai từ ngày 4/8 – 10/8 trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 1 ổ dịch tại xã An Phước, huyện Long Thành, 1 trường hợp bị chó (nghi mắc bệnh dại) cắn tại Phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa. Đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 8 ổ dịch chó dại. Trong đó huyện Trảng Bom là 3 ổ, huyện Thống Nhất 1 ổ, huyện Nhơn Trạch 2 ổ, huyện Long Thành 1 ổ.

Thông qua việc quan sát và điều tra dịch bệnh cho thấy ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định của Nhà nước về việc nuôi chó, mèo và tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chưa cao, phần lớn là nuôi thả rông, không xích, không rọ mõm đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến mầm bệnh phát tán và tăng nguy cơ gây bệnh ở người.

Trước hình hình đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước về phòng, chống bệnh dại và công tác quản lý chó, mèo khai báo bệnh và tiêm phòng vaccine dại để người dân nắm rõ được thông tin và nâng cao ý thức, trách nhiệm. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh.

Khi xảy ra dịch bệnh, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dại nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm phòng khẩn cấp vắc xin dại cho chó mèo khỏe mạnh chưa được tiêm phòng. Bắt buộc tiêu hủy động vật mắc bệnh dại, đối với chó mèo chưa tiêm vaccine nhưng tiếp xúc với chó mèo mắc bệnh dại cần phải cách ly và theo dõi trong vòng 14 ngày.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm phối hợp và huy động toàn bộ lực lượng thú y tham gia hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát và cảnh báo nguy cơ phát sinh bệnh dại. Trang bị đầy đủ vật tư, vắc xin và thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận

largeer