Đột phá trong việc đặt stent động mạch vành

Phương pháp nong và đặt khung giá đỡ (stent) động mạch vành là bước đột phá trong tim mạch can thiệp, giúp phục hồi khả năng tưới máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ.
24/10/2022 11:22

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, người bệnh sau khi được can thiệp động mạch vành sẽ giảm các triệu chứng đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, giảm nguy cơ tử vong và cải thiện chất lượng sống. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất sau khi đặt stent động mạch vành, người bệnh cần tuân thủ những lưu ý sau:

4008426711330648001940276475234416485466112n-1535388703803350726974-crop-16665445105431119988742

(Ảnh minh họa)

Uống thuốc đầy đủ và tái khám theo chỉ định của bác sĩ

Người bệnh thường cho rằng đặt stent sẽ giúp khỏi vĩnh viễn bệnh động mạch vành, đây là quan niệm sai lầm vì can thiệp chỉ giải quyết vị trí tắc nghẽn của động mạch vành, chứ không điều trị bệnh nền là xơ vữa động mạch đã có từ trước. Hiện tượng tắc nghẽn có thể tiếp tục xảy ra ở những vị trí khác trên động mạch vành hoặc ngay tại vị trí đã đặt stent. Nếu người bệnh không dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh có thể tái phát sớm chỉ 6 - 12 tháng sau đặt stent.

Nguy hiểm hơn, khi bị tái hẹp hoặc tắc stent gây nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh buộc phải thực hiện can thiệp động mạch vành lần 2 với kỹ thuật phức tạp và chi phí tốn kém hơn như đặt stent mới trong lòng stent cũ, hoặc có thể phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn, biến chứng do bệnh nhiều hơn và nguy cơ tổn thương cơ tim vĩnh viễn cao hơn. Vì vậy, người bệnh nên uống thuốc đầy đủ, đúng giờ theo đơn của bác sĩ, không được tự ý bỏ hoặc đổi thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, đồng thời cần tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn.

Vận động tùy theo tình trạng sức khỏe

Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi quyết định tập luyện thể dục trở lại, nên giảm cân nếu có thừa cân hoặc béo phì. Tùy theo tình trạng sức khỏe, người bệnh có thể đi bộ, đạp xe ít nhất 30 phút mỗi ngày, nhưng không nên gắng sức quá mức trong 6 tháng đầu sau khi đặt stent.

Các hoạt động phải đảm bảo 3 giai đoạn: khởi động từ từ với cường độ tăng dần, duy trì nhịp tim ở mức tối ưu và giảm dần cường độ. Việc này sẽ giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và tăng sức bền cho hệ tim mạch. Người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ, khi xuất hiện các triệu chứng như đau, nặng ngực; khó thở, nghẹt thở, hụt hơi vã mồ hôi lạnh.

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lí

Người bệnh nên ăn các thực phẩm

- Thực phẩm chống oxy hóa, giảm viêm như: Trái cây có nhiều màu sắc; Các loại rau xanh như súp lơ, cải bó xôi, rau bina, cải xoăn… Ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, bột yến mạch; Dầu mè, oliu, dầu đậu nành; Cá hồi, cá trích, cá ngừ giàu Omega-3 có khả năng chống viêm cao.

- Thực phẩm giúp tăng cường lưu thông máu như: gừng, tỏi, hành tây và các loại trái cây như nho, việt quất, dâu tây đều chứa nhiều salicylate - chất ngăn ngừa hình thành cục máu đông và thúc đẩy quá trình lưu thông máu.

- Thực phẩm giảm cholesterol là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp giảm hấp thụ cholesterol tại ruột và thúc đẩy quá trình đào thải cholesterol ra khỏi máu như: ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen; Các loại rau xanh như rau mồng tơi, rau đay; Các loại họ đậu như đậu đen, đậu hà lan, đậu đỏ; Các loại trái cây như lê, ổi, cam, đu đủ… Đặc biệt, người bệnh mạch vành nên ưu tiên các món hấp, luộc.

Những thực phẩm hạn chế và không nên dùng

- Nên hạn chế các món chiên, xào, rán.

- Hạn chế dùng muối, bột canh trong chế độ ăn uống mỗi ngày.

- Không nên ăn các thực phẩm muối, đồ hộp, mỡ, phủ tạng động vật…

- Không nên dùng các chất kích thích, tốt nhất nên bỏ thuốc lá, rượu, bia…

Ngoài việc tuân thủ những lưu ý kể trên, trong mọi trường hợp, người dân hãy chủ động theo dõi và tìm gặp ngay chuyên gia tim mạch khi có những dấu hiệu bất thường nhằm xử trí kịp thời, tránh nguy cơ bệnh mạch vành diễn tiến xấu hơn.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer