Dùng da và mỡ bụng để tạo hình ngực cho một bệnh nhân ung thư vú

Các bác sĩ vừa tiến hành cắt bỏ toàn bộ tuyến vú bị ung thư của một bệnh nhân nữ, đồng thời lấy vạt da và mỡ vùng bụng đưa lên ngực để tạo hình cho vòng một.
09/10/2020 06:54

TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đơn vị này vừa tái tạo vùng ngực cho nữ bệnh nhân (42 tuổi) bị ung thư vú ngay sau khi cắt bỏ tế bào ác tính.

Trước đó, bệnh nhân phát hiện có bất thường ở vùng ngực nên đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám. Sau khi sinh thiết, bác sĩ chẩn đoán khối u của người phụ nữ này ác tính. Các bác sĩ khoa Ung bướu và Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao đã phối hợp mổ cho bệnh nhân này.

ung_thu_vu

Ngực của bệnh nhân sau khi được tạo hình. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Việt Dung cho biết trong ca mổ, phẫu thuật viên đã cắt bỏ toàn bộ tuyến vú bị ung thư, đồng thời lấy vạt da, mỡ vùng bụng đưa lên ngực, nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu và tạo hình vú cho bệnh nhân.

Do vừa cắt bỏ khối u, các tổ chức lành còn tươi mới, mạch máu được bảo vệ tối đa, việc tạo hình nối vạt nuôi sẽ dễ dàng. Sau mổ, bệnh nhân cần nằm viện khoảng 7-10 ngày.

Đây là bước tiến mới trong điều trị ung thư, tái tạo những cơ quan, bộ phận đã bị cắt bỏ nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

"Nếu không thực hiện kỹ thuật này, vết sẹo sau phẫu thuật cắt khối u của bệnh nhân sẽ co kéo và xơ hóa. Khi trải qua hóa trị, xạ trị, tổ chức sẹo co kéo, dính xương, phần da thành ngực xung quanh sẽ bị thâm nhiễm, teo. Không chỉ vậy, bệnh nhân sẽ mất một bên ngực và có vết sẹo chéo gây thiếu thẩm mỹ", bác sĩ Dung nói.

Ngoài sử dụng vạt da mỡ ở bụng dưới, bác sĩ còn có thể chuyển da cơ lưng rộng thay thế vú bị cắt. Vật liệu ngoại lai được vào cơ thể để tạo hình cho bệnh nhân ung có thể bị ảnh hưởng xấu bởi tia xạ. Tạo hình vú bằng vạt da và mỡ thành bụng dưới giúp che phủ được phần khuyết, có khối mỡ đầy đặn, có mạch nuôi.

Ngực tạo hình bằng vạt da và mỡ này sẽ chịu được tia xạ, hoá chất vì nó cũng là một phần của cơ thể.

Tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ là 17/100.000 người, thường gặp trên tuổi 40. Việc phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm có thể giúp điều trị triệt để. Hiện nay, chúng ta có nhiều biện pháp để phát hiện sớm ung thư vú là tự khám, kiểm tra định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer