Gia Lai ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam

​Để kịp thời ngăn chặn không để dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 lây lan và lây nhiễm gây bệnh cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn số 431/UBND-NL về việc tập trung ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam.
01/03/2023 16:40

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023 và kế hoạch số 730/KH-UBND ngày 6/4/2019 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh CGC giai đoạn 2019-2025.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm nhập lậu bị bắt giữ để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus CGC A/H5; tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra, vào tỉnh qua các trạm kiểm dịch động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh về Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định.

Ảnh: Baogialai.com.vn

(Ảnh: Baogialai.com.vn)

Sở Y tế, chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5 trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở NN&PTNT tuyên truyền, phổ biến thông tin nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới,... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam; trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì cần phối hợp tổ chức tiêu hủy ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh theo chức năng nhiệm vụ đẩy mạnh kiểm tra, tuần tra, kiểm soát lưu thông, nhất là trên tuyến Quốc lộ 14, dọc tuyến biên giới và các cửa ngõ mà tỉnh chưa có trạm kiểm soát cố định nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường; Công an tỉnh chủ trì, phối hợp lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết định số 676/QĐ-UBND của UBND tỉnh; bố trí kinh phí mua vaccine, đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các nguồn lực để triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm như Lở mồm long móng, CGC, Dại,... cho đàn vật nuôi.

Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC để xét nghiệm; bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh. Đối với các huyện có đường biên giới giáp ranh với Campuchia (Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông) cần tăng cường vận động Nhân dân khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer