Giác mạc người đã khuất hiến tặng được lấy như thế nào?

Có thể nhiều người không biết, giác mạc của một người đã khuất có thể đem lại ánh sáng cho ít nhất 2 bệnh nhân.Và để cấy ghép thành công thì cần lấy giác mạc chỉ được lấy từ người đã khuất trong vòng 6 tiếng.
14/10/2020 06:45

Mô duy nhất có thể hiến tại nhà

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho hay người chết có thể hiến nhiều mô như giác mạc, gân, xương, da... Trong đó, giác mạc là bộ phận duy nhất có thể lấy tại nhà, không bắt buộc ở viện như các mô khác.

“Những trường hợp bị HIV, viêm gan B, C, ung thư tại mắt, chó dại và bò điên cắn, không thể hiến. Ngoại trừ những trường hợp này, bất kỳ ai cũng có thể hiến giác mạc khi qua đời, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nhóm máu”, ông Hoàng nói.

Những người thị lực kém, mang tật khúc xạ, từng phẫu thuật về mắt hay kể cả những người mắc ung thư, đái tháo đường…, vẫn có thể hiến tặng bộ phận này. Đặc biệt, người được ghép giác mạc khi qua đời cũng có thể tặng lại mô này cho người khác.

Hiện pháp luật Việt Nam chỉ cho phép người chết hiến giác mạc. Mô này không được phép lấy từ người còn sống để ghép cho bệnh nhân, kể cả là người thân.

 
hiengiacmac

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng lấy giác mạc của từ người chết hiến tặng. Ảnh: BSCC.

Chỉ lấy một lớp màng mỏng

Theo ông Hoàng, nhiều người vẫn hiểu sai về việc hiến giác mạc. Họ cho rằng kỹ thuật viên sẽ móc cả 2 mắt của người đã khuất.

Giác mạc là màng mỏng trong suốt, che chắn trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt), cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó truyền lên não bộ.

Khi hiến giác mạc, các kỹ thuật viên chỉ bóc tách lớp màng mỏng. Nhìn bên ngoài, mắt của người hiến gần như bình thường. Kỹ thuật bóc tách giác mạc cũng không gây chảy máu. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ đậy lại mi mắt cho người hiến kín như đang ngủ.

Việc hiến và thu nhận giác mạc được tiến hành trong vòng 25 phút. Điều này không ảnh hưởng đến hình dạng đôi mắt người hiến cũng như việc tổ chức tang lễ cho người quá cố. Giác mạc được lấy trong vòng 6 tiếng sau khi người hiến tặng mất.

Giác mạc sau khi thu nhận được bảo quản tại Ngân hàng Mắt và các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ phẫu thuật ghép cho người mù do bệnh lý giác mạc. Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho tối thiểu 2 bệnh nhân.

Ông Hoàng cho biết bệnh lý về giác mạc khá phổ biến tại Việt Nam. Người mắc các bệnh lý như viêm loét giác mạc, loạn dưỡng di truyền, tai nạn chấn thương trong sinh hoạt tạo sẹo... nếu được ghép giác mạc sẽ phục hồi thị lực, trở lại sinh hoạt bình thường. Ngược lại, nếu không có giác mạc thay thế, họ có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

Theo ước tính, Việt Nam có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc. Những bệnh nhân này cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Mắt Trung ương, khoảng 700-900 người đang chờ ghép giác mạc.

“Giác mạc không được phép bán và mua. Người bệnh được ghép giác mạc từ người hiến đã mất. Họ không phải trả chi phí giác mạc. Mỗi ca ghép chi phí chỉ dưới 20 triệu đồng”, ông Hoàng cho hay.

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer