Giải pháp nào cho học sinh vùng sâu, vùng xa không có đường truyền internet?

Khác biệt với học sinh tại khu vực thành thị, những học sinh tại vùng sâu, vùng xa khó khăn đủ đường khi học trực tuyến. Không chỉ thiếu thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập mà đến cả đường truyền internet cũng trở thành hiếm với học sinh tại đây.
08/09/2021 20:38

Tại Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk), việc dạy học trực tuyến hầu như không khả thi khi toàn trường trên 1.000 học sinh nhưng chỉ 56 em có thể mượn điện thoại thông minh của gia đình. Chưa kể, điểm trường Ea Rớt – một trong những điểm trường khó khăn nhất của Trường Tiểu học Cư Pui 2, nằm biệt lập với bên ngoài. Nơi đây không có điện thoại thông minh, mạng Internet, nhà cửa thưa thớt, cách nhau cả quả đồi.

Còn tại huyện Lắk, toàn huyện có trên 15.000 học sinh thuộc 3 cấp; trong đó, học sinh lớp 1 khoảng 1.700 em. Do đặc thù Lắk là huyện vùng sâu, nhiều dân tộc thiểu số nên 70% học sinh không thể học trực tuyến. Không riêng học sinh vùng sâu, ngay cả thị trấn Liên Sơn, khối THCS cũng có tới 50 - 60% trường không thể triển khai do học sinh thiếu thiết bị để học (điện thoại thông minh kết nối Internet).

Tại Đắk Nông, điều kiện của tỉnh rất khó triển khai hình thức học trực tuyến, nếu có chỉ áp dụng từ cấp THCS và THPT.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, khó khăn lớn nhất trong việc dạy và học trực tuyến là điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đường truyền Internet và điều kiện học tập của học sinh (điện thoại thông minh, máy tính để bàn có kết nối Internet).

Còn theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hố Gùi, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), học sinh ở điểm trường hầu hết có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ chỉ mỗi nghề đi biển, bắt ốc, mò cua… “Khó khăn lớn nhất là giáo viên không có màn hình trình chiếu để áp dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Đa phần học sinh thiếu công cụ học tập như máy tính hoặc điện thoại thông minh…”,

Không chỉ vùng khó, tại TP Cần Thơ, nhiều nơi việc học online của học sinh cũng gặp trở ngại nhất định. Tại quận Bình Thủy, năm học trước có khoảng 70% học sinh học trực tuyến. Số học sinh còn lại chưa tham gia vì không có trang thiết bị. TP Cần Thơ đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, “ai ở nhà nấy” nên việc mua sắm thiết bị đầu cuối như máy tính, tivi, tai nghe... là điều không thể bởi tất cả cửa hàng đều đóng cửa. Đặc biệt, đối với trẻ tiểu học, không phải em nào cũng biết các thao tác máy tính và không phải phụ huynh nào cũng có thể ngồi cùng học với con.

vungsauvungxahoctructuyennhuthenao

Giải pháp nào cho học sinh vùng khó

Để triển khai hiệu quả việc học online, ngành giáo dục TP Cần Thơ, nhà trường, giáo viên không chỉ chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, mà còn quan tâm, hỗ trợ học sinh, phụ huynh. Đặc biệt, các địa phương vùng sâu, vùng xa đưa ra các giải pháp để gỡ khó, giúp tất cả học sinh được tiếp cận việc học.

Phòng GD&ĐT huyện Lắk cho biết UBND huyện quyết định hình thức giao bài cho học sinh. Đầu tuần, giáo viên sẽ phối hợp các đoàn thể địa phương (chủ công là đoàn thanh niên các thôn, buôn) đến tận nhà giao bài và hướng dẫn học sinh làm bài tập, cuối tuần đến thu bài cũ, phát bài mới. Mỗi gia đình là một trường học; ông bà, cha, mẹ, anh chị là thầy, cô giáo. Phương án này chủ yếu củng cố kiến thức, giúp học sinh có thói quen học tập.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, Sở GD&ĐT đã giao nhà trường căn cứ vào tình hình, điều kiện của từng địa phương để chọn hình thức học phù hợp như trực tuyến hoặc giao bài cho học sinh. Dù hình thức nào, giáo viên phải tập trung, bám sát tình hình học tập của học sinh mới thành công.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đề nghị nhà trường cần lập các tổ hỗ trợ dạy học trực tuyến, phía Sở sẽ phối hợp các bên liên quan tổ chức dạy học trên truyền hình, hoặc tiếp sóng các chương trình dạy học trên truyền hình. Toàn tỉnh có khoảng 450.000 học sinh (từ cấp mầm non đến THPT). Giáo viên nên tập trung dạy kiến thức cơ bản. Với những học sinh đang F0, F1, nhà trường sẽ có kế hoạch riêng bổ sung kiến thức khi các em khỏi bệnh.

 

Còn theo Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), để bảo đảm chất lượng giáo dục, hỗ trợ học sinh khó khăn, trường đã rà soát để chia nhóm và xác định phương thức hỗ trợ. Với học sinh có phương tiện thiết bị nhưng thiếu đường truyền Internet, trường đã làm việc với VNPT huyện để hỗ trợ 2GB/1 ngày (miễn phí 60 ngày).

Với nhóm học sinh không có máy tính, điện thoại, trường thống kê và tổ chức photo nội dung bài học gửi tận nhà cho các em qua đường bưu điện (phí do trường trả); hoặc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đưa đến cho học sinh. Sau thời gian quy định, học sinh hoàn thành bài học và bài tập được giao, phụ huynh gửi qua bưu điện hoặc giáo viên đến nhận… Bên cạnh đó, mỗi lớp đều có nhóm Zalo để quản lý. Lãnh đạo trường có thể tham gia lớp học để nắm tình hình và hỗ trợ thầy cô, học sinh nếu gặp khó khăn.

Trưởng phòng GD&ÐT huyện Vĩnh Thạnh cho hay: Trước mắt, ngành giáo dục tham mưu UBND huyện, Sở GD&ÐT đầu tư thêm cơ sở vật chất, máy tính. Phía học sinh thì tổ chức để những em có phương tiện thành lập nhóm với các em không có thiết bị ở gần nhà để học cùng nhau. Hoặc giáo viên sẽ in, gửi bài cho các em còn khó khăn…

Dịch bệnh còn phức tạp, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị, trường học dạy học online. Đối với học sinh, học viên chưa có máy tính, linh hoạt bố trí học sinh, học viên học online theo nhóm (không quá 3 học sinh/nhóm) trên địa bàn cư trú, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với cơ sở giáo dục chưa bảo đảm điều kiện dạy học online thì sử dụng ứng dụng Google Meet, Zoom... trên điện thoại thông minh để dạy học (do hầu hết học sinh, học viên đều có điện thoại thông minh). Sử dụng mạng xã hội, ứng dụng OTT (Viber, Zalo...) để hỗ trợ dạy học (giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh, học viên hoặc nhóm học sinh/học viên; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập...).

Thu Trang

comment Bình luận

largeer