Giáo dục sớm - Lĩnh vực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, đào tạo nhân tài cho đất nước

Giáo dục sớm, phát triển trẻ em toàn diện trong giai đoạn đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời một con người và tương lai của một dân tộc, một quốc gia. Giáo dục sớm là nền tảng cho sự phát triển cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức thẩm mỹ cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai.
10/01/2024 12:45

Giáo dục sớm còn đóng góp to lớn trong việc gắn kết xã hội, xây dựng hòa bình và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

c1

  PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh 

Giáo dục sớm phát triển trẻ em toàn diện được bắt đầu từ khi còn là thai nhi cho đến 6 tuổi, nhất là trong 3 năm đầu đời (còn gọi là 1.000 ngày đầu đời). Đây là “giai đoạn vàng”, “cửa sổ của cơ hội”, là thời kỳ quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong cuộc đời của mỗi người. Ở giai đoạn này trẻ rất dễ bị tổn thương, trừ khi được sự chăm sóc, giáo dục, tương tác tốt phù hợp về thể chất và tinh thần. Vì vậy, dù trẻ em ở gia đình hoặc ở trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình, các trung tâm chăm sóc trẻ... cũng cần được tiến hành các hoạt động giáo dục sớm phong phú để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, với hy vọng đào tạo ra những công dân ưu tú cho tương lai có thể lực cường tráng, trí tuệ vượt trội, thông minh, sáng tạo, có nhân cách, phẩm chất đạo đức và kỹ năng sống phù hợp nhằm nâng cao tiềm lực, tầm vóc con người cũng như vị thế của Việt Nam trên thế giới “góp phần bảo vệ sức khỏe, cải tạo nòi giống, đào tạo nhân tài cho đất nước”.

Giáo dục sớm là một bước ngoặt của khoa học giáo dục dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng, năng lực bản thân, có khả năng làm chủ trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu, sở thích riêng của từng trẻ, không áp đặt từ người lớn. Việc học của trẻ được tích hợp thông qua các hoạt động đa dạng trong môi trường sống để trẻ được trải nghiệm. Các hoạt động được tổ chức lồng ghép, tác động một cách đồng bộ đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt trong 3 năm đầu đời, nếu được sống trong môi trường giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú… kích hoạt não sớm ngay từ giai đoạn này sẽ hình thành nên hàng tỷ kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não giúp trẻ đạt được sự phát triển toàn diện trong suốt cả cuộc đời. Nếu bỏ qua cơ hội giáo dục sớm cho trẻ chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tiềm năng, năng lực của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “Sử dụng nó hay đánh mất nó”, nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng, năng lực của con người được phát huy càng ít. Nghiên cứu giáo dục sớm đã chỉ ra rằng: Chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên não bộ vô cùng to lớn bởi mới chỉ khai thác được từ 3 – 10% khả năng kỳ diệu của não bộ.

Các công trình nghiên cứu giáo dục sớm trên thế giới đều cho rằng: Một thời thơ ấu an toàn và hạnh phúc không chỉ là quyền của trẻ em mà nó còn cung cấp các cơ hội cho trẻ để khai mở và phát triển khả năng và tài năng của trẻ khi chúng lớn lên. Tác giả Witte (người Đức) trong tác phẩm “Phương pháp giáo dục của Witte” đầu thế kỷ XIX đã xác định “Giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ bình minh của nhận thức để đứa trẻ trở nên phi phàm”. Theo nhà giáo dục học Krupskaya: “Những kinh nghiệm từ nhỏ sẽ có ấn tượng rất sâu trong cuộc đời mỗi con người”. “Các cơ hội giáo dục được định hình từ lâu trước khi trẻ đến lớp. Các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và xã hội mà trẻ phát triển thời thơ ấu là trụ cột thực thụ cho việc học tập cả đời” (Unessco. Báo cáo giám sát GDMN 2011).

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Đầu tư vào các dịch vụ giáo dục sớm cho trẻ ít tốn kém hơn nhiều so với việc đầu tư cho các cấp, bậc học khác, đồng thời giúp nâng cao kết quả học tập của trẻ, giúp tăng cường hiệu quả của các trường học nhờ giảm tỷ lệ học lưu ban, bỏ học, nâng cao thành tích của trẻ nói chung và các nhóm bị thiệt thòi nói riêng.

Hiện nay, có hàng trăm nước trên thế giới với hàng ngàn trường học và hàng triệu gia đình đã và đang áp dụng các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ. Nhiều sản phẩm công nghệ giáo dục đã được nhiều nhà trường mầm non, trung tâm giáo dục sớm ở nhiều nước áp dụng với mong muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hiệu quả giáo dục sớm trong giai đoạn này. Nhiều trẻ em trên thế giới được tiếp cận với các mô hình giáo dục sớm từ tuổi nhỏ đã trở thành những con người thông minh, tài năng và có nhiều cống hiến cho xã hội.

Ở Việt Nam, chúng ta đi sau nhiều nước trên thế giới về lĩnh vực giáo dục sớm hàng nửa thế kỷ và chưa được các cơ quan chức năng Nhà nước quan tâm đúng mức, chưa có những chủ trương chính sách toàn diện đáp ứng ý nghĩa, vai trò của lĩnh vực chăm sóc giáo dục sớm trẻ ngay từ khi còn là thai nhi cho đến 6 tuổi. Đây là một thiệt thòi lớn cho trẻ nhỏ và các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi này.

Để thành tựu giáo dục sớm được triển khai hiệu quả, chúng ta cần lựa chọn giải pháp, cách làm riêng nào có thể vừa áp dụng thành công kinh nghiệm của các quốc gia khác, vừa kết hợp đặc thù riêng của nền văn hóa, giáo dục nước nhà, của trẻ em các dân tộc, góp phần thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

c4

Giáo dục sớm cho trẻ để phát triển vượt trội về thể chất và trí tuệ

Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần: 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư về sự cần thiết phải thực hiện giáo dục sớm trẻ em ngay từ khi còn là thai nhi cho đến 6 tuổi – giai đoạn khởi đầu quan trọng nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tài năng của con người, để giáo dục sớm trở thành một nét văn hóa trong đời sống gia đình, dòng họ và cộng đồng dân tộc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0. 

Nhà nước và các tổ chức xã hội cần tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm và triển khai thực hiện chương trình giáo dục sớm ở quy mô quốc gia phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của từng vùng, miền, tạo điều kiện cho trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận với giáo dục sớm một cách bình đẳng càng sớm càng tốt, nhất là đối với trẻ em dưới 3 tuổi. Đảng và Nhà nước cần coi giáo dục sớm trẻ từ thai nhi đến 3 tuổi phát triển toàn diện là một nhiệm vụ chiến lược trong đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà, góp phần đào tạo nhân tài, cải tạo và nâng cao chất lượng nòi giống của dân tộc Việt Nam.

c3

 (Ảnh minh họa)

Cha mẹ chính là người thầy giáo đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con trẻ. Vì vậy, phải xác định vai trò giáo dục tại gia đình là một thành tố quan trọng trong giáo dục sớm phát triển toàn diện trẻ em. Phải coi giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục quốc dân. Điều này khẳng định nhà trường là sự nối dài cho việc giáo dục sớm tại gia đình, thay vì quan niệm nhà trường chịu trách nhiệm chính trong giáo dục trẻ phát triển toàn diện. 

Vận động các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, các doanh nhân, doanh nghiệp và các cá nhân trong ngoài nước đầu tư, tài trợ nguồn lực để xây dựng và phát triển các mô hình giáo dục sớm với phương châm xã hội hóa, “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, với tôn chỉ mục đích  “Đồng tâm hiệp lực vì sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”, ngay từ  những ngày đầu thành lập, hội đã hết sức quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc và giáo dục sớm với trẻ em và đã cho ra đời Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD). Viện là tổ chức đầu tiên của Việt Nam chuyên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giáo dục sớm. Các nghiên cứu của viện đã được nhiều cơ sở giáo dục công lập và tư thục mầm non, nhiều gia đình có con nhỏ thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Điều đó đang dần khẳng định giáo dục sớm một lĩnh vực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giống nòi dân tộc, đào tạo nhân tài cho đất nước. 

  PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh

  Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD)

 

comment Bình luận

largeer