GS.TS Phan Trọng Lân chia sẻ về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp ứng phó

Mới đây, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có những chia sẻ về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp ứng phó của Việt Nam với căn bệnh này.
26/07/2022 12:14

Bệnh đậu mùa khỉ vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là "Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu". Chỉ trong 1-2 tháng qua, từ chỗ có vài trăm ca mắc, đến nay, thế giới đã ghi nhận tới 16.000 ca nhiễm. Một số quốc gia gần Việt Nam đã ghi nhận những ca mắc đầu tiên còn nước ta bắt đầu kích hoạt những biện pháp ứng phó kịp thời với căn bệnh đậu mùa khỉ.

16.000 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 75 quốc gia, trong đó có 5 ca tử vong. Vài tháng qua, WHO đã rất đắn đo trước khi đưa ra tuyên bố về Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với căn bệnh đậu mùa khỉ. Căn bệnh gần nhất được WHO tuyên bố tình trạng y tế tương tự là COVID-19 hồi tháng 3/2020 (Tuyên bố này dựa trên tình trạng lây lan nhanh, nguy cơ về sự lây lan rộng hơn tới các quốc gia khác).

295180250_2070746009776165_5104695546928415093_n

 GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ra tăng nhanh chóng, chủ yếu tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ. Liên tiếp các quốc gia của các châu lục ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tại Đông Nam Á thì Singapore, Nhật Bản, Thái Lan đã ghi nhận những ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên.

Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy 95% số ca nhiễm lây qua đường tình dục, trong đó có 98% lây qua quan hệ đồng giới nam. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Chúng ta đang có một căn bệnh bùng phát lan nhanh trên thế giới, thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít. Theo tiêu chí trong quy định y tế quốc tế, chúng tôi quyết định tuyên bố bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, đây là đợt bùng phát có thể ngăn chặn được với các chiến lược phù hợp trong các nhóm phù hợp".

WHO khuyến nghị tạm thời chia thành 4 nhóm quốc gia ứng phó:

- Nhóm 1: Gồm các quốc gia không có lịch sử bùng phát hoặc có ca nhiễm nào trong 21 ngày qua (Việt Nam thuộc nhóm này). Nhóm này được khuyến nghị kích hoạt các cơ chế phối hợp thúc đẩy tự nguyện báo cáo khi có nghi ngờ. Tăng cường giám sát dịch tễ, đào tạo đội ngũ y tế, nâng cao nhận thức về bệnh.

- Nhóm 2: Là các quốc gia đã có trường hợp mắc bệnh. Nhóm này cần thực hiện các phản ứng phối hợp nhằm ngăn chặn lây nhiễm, hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng. Bảo vệ đối tượng nguy cơ là những người suy giảm miễn dịch, trẻ em và phụ nữ mang thai.

- Nhóm 3: Là các quốc gia đã biết hoặc nghi ngờ sự lây truyền dịch bệnh đậu mùa khỉ ở động vật. Nhóm này ngoài các biện pháp y tế công cộng, cần tăng cường nghiên cứu, kiểm soát dịch bệnh ở động vật.

- Nhóm 4: Là các quốc gia có năng lực sản xuất thiết bị, vật tư y tế để ứng phó như vaccine, chẩn đoán, xét nghiệm các phương pháp điều trị. Nhóm này cần phối hợp với WHO để đảm bảo các dịch vụ vật tư y tế cần thiết cho các quốc gia.

Trước đó, các nước cũng đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Ngày 23/5, Mỹ cho biết đang chuẩn bị tiêm vaccine đậu mùa, có hiệu quả ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. 3 ngày sau, Liên minh châu Au EU cho biết đang làm việc để thúc đẩy việc mua vaccine đậu mùa khỉ. Ngày 22/7, cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu khuyến nghị sử dụng vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Pháp đã triển khai các biện pháp phòng ngừa trước đối với những người được coi là có nguy cơ, bao gồm: đồng tính nam, người chuyển giới và người bán dâm. Trong khi Thái Lan đã họp khẩn để thảo luận các biên pháp ứng phó, trong đó truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm đậu mùa khỉ nhập cảnh vào nước này.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có những chia sẻ về căn bệnh này. Theo GS.TS Phan Trọng Lân, bệnh đậu mùa khỉ là căn bệnh tác nhân gây bệnh do virus và được phát hiện vào năm 1958 trên khỉ và được phát hiện mắc trên người vào năm 1970 ở châu Phi. Sau này, khu vực châu Phi trở thành vùng lưu hành của căn bệnh này. Đến năm 2018 -2022, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh bên ngoài khu vực châu Phi. Tuy nhiên, các trường hợp có yếu tố dịch tễ có liên quan đến vùng lưu hành ở châu Phi. Sau đó, từ tháng 5/2022, bắt đầu xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, các ổ dịch ở các nơi không phát hiện yếu tố lây nhiễm.

Biểu hiện, triệu chứng của bệnh đầu tiên có sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, đau lưng. Sau đó từ 1 - 3 ngày có biểu hiện phát ban, mụn nước. Về vấn đề ca nặng và tử vong chủ yếu ở khu vực lưu hành châu Phi và Tây Phi khoảng từ 0 - 11%. Các trường hợp lây nhiễm bên ngoài khu vực này cho đến hiện nay có 16.000 trường hợp và 5 ca tử vong xuất hiện ở khu vực lưu hành còn lại chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Về các đường lây truyền gần gũi, thông qua vết thương, tiếp xúc cơ thể, trên các bề mặt, qua đường hô hấp với các giọt bắn nặng. 

So sánh với dịch COVID-19, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết thêm việc lây nhiễm của virus đậu mùa khỉ thì ít hơn nhiều so với các đường hô hấp chung đặc biệt là SARS-CoV-2. Bản chất về cơ chế đối với đậu mùa khỉ lây từ tiếp xúc gần từ mặt đối mặt, da đối da, miệng đối miệng, miệng đối da, kể cả đối với việc lây qua đường hô hấp thì các giọt bắn lớn chủ yếu do các vết thương ở miệng. Do đó, sự lây truyền của căn bệnh đậu mùa khỉ thấp hơn. Đặc biệt, qua đánh giá ở những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao ở Tây Ban Nha vừa rồi trên các đối tượng người lớn thì chỉ số lây nhiễm cơ bản R0 chỉ khoảng từ 1 - 1,8. Trong khi đó đối với virus SARS-CoV-2 chủng ban đầu thì chỉ số này ở mức 2,5 - 3,5. Sau đó phát triển các biến thể khác như Delta và Omicron thì chỉ số này còn cao hơn nữa. Có nghĩa rằng đối với đậu mùa khỉ thì tỉ lệ lây nhiễm ít hơn nhiều so với sự lây truyền của SARS-CoV-2.

Ở Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan ở nước ta là hoàn toàn có thể xảy ra nhất là sự giao lưu đi lại thuận tiện và các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó 1 số các quốc gia gần với chúng ta như là Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc,... đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Vì vậy, chủ động phòng bệnh là quan trọng và cấp thiết hiện nay.

Từ nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, có nghĩa rằng đã có sự lây lan từ nước này sang nước khác. Như chúng ta thấy rằng từ tháng 5/2022, công bố ca mắc đầu tiên và con số tăng lên chỉ khoảng vài chục ca, có cả các ca nặng và sau 1 tháng ngày 22/6/2022 thì con số mắc bệnh đậu mùa khỉ đã là gần 3.500 trường hợp ở 50 nước. Tiếp đến, cũng sau 1 tháng ngày 23/7/2022 thì đã ghi nhận lên đến 16.000 ca nhiễm đậu mùa khỉ ở 75 quốc gia. Đặc biệt căn bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu đang lây lan rất nhanh do có yếu tố người dân đi lại nhiều.

Ở Việt Nam, vấn đề xâm nhập đầu tiên là có thể, tiếp đến yếu tố tạo điều kiện ở đây kể cả các biện pháp phòng, chống ở cửa khẩu hay các biện pháp khác thì một trong những đặc điểm của bệnh đậu mùa khỉ chính là thời gian ủ bệnh dài từ 5 - 21 ngày. Các biểu hiện lâm sàng gần như cơ bản chúng ta không dễ gì nhận diện một cách đầy đủ, trùng hợp với các căn bệnh khác. Các yếu tố lây nhiễm cao như tiếp xúc gần như tiền sử khai thác thường là do tiếp xúc cao. Như vậy, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là có thể kể cả qua được cửa khẩu, vào nội địa do có các yếu tố trên. Trong thời gian tới, chúng ta phải tăng cường các biện pháp nếu có phải xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời không để lây lan.

Đối với chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế phải xây dựng tất cả các kịch bản khi có ca nhiễm thì chúng ta sẽ không bị bị động, bất ngờ. Đối với kịch bản trong thời gian tới, hiện nay sẽ tăng cường giám sát cửa khẩu tại cộng đồng, cũng như giám sát qua sự kiện của đất nước. Bộ Y tế đã kích hoạt Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế sẽ họp hàng tuần để thu thập thông tin thảo luận, đánh giá các nguy cơ để ra các biện pháp vấn đề xét nghiệm; Chẩn đoán lâm sàng; Cập nhật các hướng dẫn thu dung, điều trị; Hướng dẫn giám sát; Truyền thông cho người dân biết được để cùng y tế phát hiện sớm, kịp thời; Phòng lan rộng trong các trường hợp mắc nên cũng phải tính đến giải pháp về vaccine. 

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với WHO và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đưa ra các nghiên cứu, chỉ định để vừa đáp ứng được chống dịch trước mắt và lâu dài một cách bài bản. Khuyến nghị khi các vấn đề lây lan trên toàn cầu là sự hiểu biết về virus này chưa đầy đủ nên chúng ta là mỗi người dân cần lưu ý về yếu tố dịch tễ, tiền sử đã tiếp xúc, biểu hiện lâm sàng được khai báo một cách đầy đủ khi có biểu hiện nghi ngờ của bệnh đậu mùa khỉ với y tế cơ sở. Như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc phát hiện sớm ca mắc căn bệnh này, lúc đó sẽ khoanh vùng, cách ly những người có tiếp xúc để nếu có sự xâm nhập không để lây lan ra thêm. Bảo vệ đội ngũ xét nghiệm, người chăm sóc bệnh nhân này một cách đầy đủ để không ảnh hưởng rộng.

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer