Hà Giang xác định được vùng dược liệu có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển

Cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ về phát triển dược liệu, tỉnh Hà Giang đã xác định được vùng dược liệu có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển. Kết quả bước đầu cho thấy, dược liệu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
02/12/2023 08:54

Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt và triển khai một số đề tài khoa học, nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng một số cây dược liệu với tổng kinh phí đầu tư lên đến 13 tỷ đồng. Theo đó, đã thực hiện điều tra, chọn giống, nhân giống, hoàn thiện quy trình trồng trọt cho 20 loại dược liệu; xây dựng được 05 mô hình sản xuất dược liệu theo hướng thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (GACP - WHO) tại Hà Giang cho 05 loại dược liệu: Bạch chỉ, Huyền sâm, Củ nưa, Ngưu tất, Xuyên Khung; công bố lưu hành 02 giống dược liệu là Huyền sâm, Củ nưa.

Năm 2021, tỉnh Hà Giang ban hành Đề án 175 về phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu là cải tạo chăm sóc 6.433,7 ha các diện tích cây dược liệu lâu năm hiện có; trồng mới 4.000 ha tạo thành vùng nguyên liệu tập trung thuận lợi cho việc thu hoạch và chế biến; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trực tiếp tham gia phát triển cây dược liệu lâu dài bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có cơ chế hỗ trợ đầu tư gây trồng, bảo tồn các loại dược liệu quý thông qua liên doanh liên kết với các doanh nghiệp. Theo đó, Hà Giang đã xác định được một số dược liệu có thế mạnh để đầu tư phát triển, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

1638367036113166878

Xuyên khung là một trong những loại cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao đang được Hà Giang tập trung phát triển

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Đến nay, tỉnh Hà Giang đã có trên 30 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dược liệu được công nhận.

Nhờ ứng dụng tích cực, hiệu quả nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được chuyển giao từ một số đơn vị nghiên cứu theo tiêu chí GACP - WHO. Tính đến năm 2022, tổng diện tích dược liệu các loại hiện có gần 18.500 ha, trong đó, cây thảo quả dưới tán rừng gần 12.800ha; diện tích cho thu hoạch 11.00ha; sản lượng trên 7.000 tấn. Kết quả bước đầu cho thấy, phát triển dược liệu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ dân. Thu nhập trung bình mỗi hộ từ 20 - 50 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập lên đến 200 triệu đồng/năm từ phát triển  một số cây dược liệu, như: Thảo quả, Ấu tẩu, gừng, nghệ…

Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất dược liệu theo mô hình nông nghiệp công nghệ, trong đó có phát triển cây dược liệu. Với tiềm năng thế mạnh của địa phương về phát triển dược liệu, trong những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư, sản xuất và chế biến lĩnh vực này.

Phát huy thành tựu đã đạt được và tiềm năng thế mạnh của địa phương về phát triển dược liệu. Theo Viện Dược liệu - Bộ Y tế, tỉnh Hà Giang cần quan tâm đến giải pháp về chính sách, đầu tư và tài chính, khoa học công nghệ, nguồn lực, thị trường tiêu thụ và phát triển chuỗi giá trị. Trong đó, cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với công tác phát triển dược liệu và cây gia vị ở địa phương để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác, phát triển dược liệu và cây gia vị, hỗ trợ chuyển giao xây dựng mô hình sản xuất và mô hình liên kết chuỗi giá trị dược liệu; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ để tạo động lực cho người dân tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các đơn vị triển khai nghiên cứu, sản xuất dược liệu và cây gia vị. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống cây dược liệu và cây gia vị có năng suất, chất lượng. Tập trung đầu tư vào nhóm cây dược liệu có lợi thế của địa phương, các cây dược liệu thị trường có nhu cầu cao. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực thực hiện công tác phát triển dược liệu  và cây gia vị, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là công tác đào tạo và tập huấn về tiêu chuẩn GACP - WHO, tiêu chuẩn hữu cơ. Tăng cường hợp tác, tạo liên kết 5 nhà, bao gồm: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và ngân hàng thương mại để thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển dược liệu và cây gia vị. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia vào liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ, công bố chất lượng sản phẩm và thúc đẩy các hoạt động xây dựng thương hiệu. Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại…

Tin tưởng trong tương lai gần, với điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng, thế mạnh để tập trung phát triển cây dược liệu quý, cùng với việc quyết tâm nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Hà Giang sẽ trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về phát triển cây dược liệu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng biên cương cực Bắc.

Hồng Minh

comment Bình luận

largeer