Hà Nội ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2023

UBND thành phố Hà Nội vừa triển khai Kế hoạch số 346/KH-UBND ngày 30/12/2022, về phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố năm 2023.
06/01/2023 11:11

Kế hoạch nêu rõ: Năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới vẫn chưa thể kết thúc tình trạng y tế khẩn cấp liên quan đến đại dịch COVID-19; nhiều quốc gia vẫn ghi nhận các đợt bùng phát dịch COVID-19 do các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Mặt khác, dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại nhiều quốc gia bên ngoài khu vực Châu Phi và trở thành vấn đề Y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu từ tháng 23/7/2022 đến nay; dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) bùng phát mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam; các dịch bệnh nguy hiểm như: Ebola, Mers-CoV, cúm A/H5N1 vẫn ghi nhận rải rác tại một số quốc gia trên thế giới; bệnh bại liệt chủng hoang dại, bệnh sởi ghi nhận số mắc tăng nhiều so với năm 2021.

105d5172449t59596l0

(Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, năm 2022 dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ giai đoạn tháng 2-3 sau đó được kiểm soát tốt; dịch sốt xuất huyết Dengue bùng phát với hơn 350.000 trường hợp mắc và 133 trường hợp tử vong; ghi nhận ca bệnh mắc cúm A/H5 sau 8 năm kể từ 2014 tại Phú Thọ; ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ xâm nhập tại TP. Hồ Chí Minh; bệnh dại, tay chân miệng có xu hướng gia tăng.

Tại Hà Nội, dịch COVID-19 giảm mạnh từ đầu tháng 3/2022 đến nay, hiện tại trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng vài chục ca mắc mới; dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát tại một số xã phường tuy nhiên đã được kiểm soát; các dịch bệnh lưu hành khác như dại, sởi, tay chân miệng vẫn ghi nhận rải rác.

Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, với dân số đông, mật độ dân số cao, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp nên ngoài việc đối mặt với dịch bệnh xâm nhập, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do bệnh dịch gây nên, thành phố phấn đấu 100% UBND các cấp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 sát với tình hình thực tế của địa phương; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch tại địa phương… Cùng với đó, 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh, các lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng, chống dịch từ thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh. 100% người mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Thành phố cũng tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra, xử lý kịp thời, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội; theo dõi sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bảo đảm trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, người trên 18 tuổi được tiêm các mũi cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn và phân bổ vaccine của Bộ Y tế. Tiêm cho các nhóm đối tượng khác khi có chỉ đạo của Bộ Y tế. Giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân xuống mức thấp nhất theo chỉ tiêu của Bộ Y tế (thấp hơn mức trung bình của châu Á năm 2022).

Thành phố sẽ nâng cao năng lực phòng xét nghiệm các tuyến, tăng cường công tác xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, bảo đảm tỷ lệ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm được xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: Truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Bảo đảm đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.

Về việc này, UBND thành phố giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố) tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội: Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2023; tổ chức giao ban định kỳ, giao ban đột xuất (khi cần thiết), nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp thời; tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch của các quận, huyện, thị xã.

Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng chống dịch: giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế (giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ, giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát ca bệnh...) để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát; giám sát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm ca bệnh dịch để cách ly không để dịch xâm nhập. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, kiểm soát người ra vào, đảm bảo công tác phòng hộ cho đội ngũ y bác sĩ nhằm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh. Chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men... cho công tác phòng chống dịch. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và Hà Nội thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch; Phối hợp với Sở Thông tin, Truyền thông và các Sở, ngành đoàn thể trong hoạt động truyền thông phòng, chống dịch.

Bảo Ngọc

comment Bình luận

largeer