Hà Nội chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 909/SYT-NVY về việc chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.
07/03/2024 10:05

Theo đó Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội phối hợp với các báo, đài đưa tin về tình hình bệnh dại và biện pháp phòng chống để người dân áp dụng, tích cực tham gia hoạt động phòng chống bệnh dại tại cộng đồng. Kịp thời chia sẻ thông tin kịp thời với Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

20230208_luu-y-khi-tim-phong-dai-cho-cho-1

(Ảnh: Medlatec)

Cùng với đó, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh Dại trên người; tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết cách xử lý khi bị chó, mèo cắn.

Củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vaccine phòng dại và huyết thanh kháng Dại cho người dân đảm bảo việc dễ tiếp cận vaccine  phòng bệnh cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh Dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Ngoài ra, CDC Hà Nội tăng cường quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế, các điểm tiêm vắc xin phòng Dại trên địa bàn thực hiện và báo cáo thông tin bệnh Dại theo quy định.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh dại. Truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại như: hạn chế nuôi chó mèo, không được thả rông chó mèo, chó mèo phải được đeo rọ mõm khi ra ngoài, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc; khi người bị súc vật nghi dại cắn phải đến các cơ sở Y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.

Đồng thời, các đơn vị kịp thời chia sẻ thông tin với CDC Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người”, trong đó chú trọng việc xử lý vết thương đúng cách (không khâu vết thương khi chưa xử trí tiêm huyết thanh kháng Dại) và tư vấn, hướng dẫn người bệnh điều trị dự phòng bệnh Dại tại các điểm tiêm phòng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer