Từ giường bệnh đến tủ sách cộng đồng: Hành trình sống có ích của chàng trai liệt tứ chi

Tai nạn bất ngờ cướp đi khả năng vận động của Quách Văn Sơn – chàng trai người Mường đến từ Phú Thọ – khi anh mới 25 tuổi. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh trở thành người liệt tứ chi chỉ sau một đêm. Trong những ngày tháng tưởng chừng như tuyệt vọng, khi mọi cánh cửa cuộc đời như đóng sập lại, chính tình yêu thương, lòng biết ơn và ý chí sống mãnh liệt đã vực dậy anh – không chỉ để sống, mà còn để sống có ích, sống cho cộng đồng.
05/07/2025 11:16

Quách Văn Sơn sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mắc ung thư giai đoạn cuối. Trong một lần đi vay tiền chữa bệnh cho mẹ, anh gặp tai nạn nghiêm trọng và được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong tình trạng toàn thân bất động. “Lúc ấy, tôi hoàn toàn tỉnh táo, nhưng không thể cử động dù chỉ một ngón tay. Cảm giác ấy kinh hoàng hơn cả cái chết,” Sơn chia sẻ.

Chấn thương cột sống cổ quá nặng khiến bác sĩ không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, do không còn khả năng chi trả, gia đình buộc phải đưa Sơn về nhà. Tin dữ về sự ra đi của mẹ trong những ngày anh nằm liệt giường đã khiến tâm trạng anh tụt dốc thê thảm. Những ý nghĩ tiêu cực cứ thế xâm chiếm. “Tôi đã từng nghĩ đến việc tuyệt thực để kết thúc cuộc đời, bởi không muốn trở thành gánh nặng cho người thân,” Sơn nghẹn ngào.

VTV00006

Câu chuyện của anh Quách Văn Sơn được chia sẻ trong chương trình Trạm yêu thương phát sóng trên VTV1

Trong bóng tối của những ngày tháng bất động, người thắp lại ánh sáng hy vọng cho Sơn chính là người cô ruột – bà Quách Thị Nưng. Suốt hơn 10 năm, bà là người kề cận, chăm sóc, động viên và truyền cho anh nghị lực sống. Tình thương bền bỉ ấy đã giúp Sơn thay đổi suy nghĩ, lựa chọn sống tiếp – không phải để tồn tại, mà để có ích.

Anh bắt đầu tìm tòi, sáng chế thiết bị hỗ trợ vận động ngay tại giường bệnh, tự tay lên ý tưởng thiết kế máy tời điện, máy tập phục hồi chức năng cho người liệt tứ chi. Dù không thể tự đứng lên, nhưng anh đã tự “lập nghiệp” với một tiệm tạp hóa nhỏ, từ đó từng bước làm chủ cuộc sống.

Sách không phải là niềm đam mê từ nhỏ của Sơn. Nhưng khi không còn gì ngoài bốn bức tường và những cơn đau kéo dài, anh bắt đầu tìm đến sách như một chốn nương náu tâm hồn. “Sách giúp tôi quên đi thực tại tê liệt và tìm thấy lại chính mình. Từ sách, tôi có thêm động lực để sống và cống hiến,” anh kể.

Từ tình yêu với con chữ, anh quyết định lập nên “tủ sách cộng đồng” ngay trong căn nhà nhỏ. Không gian ấy không chỉ là nơi Sơn tiếp tục hành trình tri thức, mà còn là điểm đến ấm áp cho người dân địa phương – nơi mọi người có thể đọc, mượn, chia sẻ sách và sẻ chia tình cảm. “Tủ sách tình thân” từ đó trở thành biểu tượng của niềm tin, nghị lực và lòng biết ơn.

Năm 2024, Sơn cho ra mắt tự truyện “Trở về để tái sinh”. Cuốn sách kể lại hành trình từ vực thẳm của đau đớn thể xác và tinh thần đến sự hồi sinh nhờ tình thân và tri thức. Cuốn sách đã chạm đến trái tim hàng nghìn độc giả, đặc biệt là cộng đồng người khuyết tật. Nhiều người sau khi đọc sách đã chia sẻ rằng họ tìm thấy chính mình, được tiếp thêm động lực để sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Trong tương lai, Sơn mong muốn tủ sách của mình sẽ có thêm nhiều đầu sách, đặc biệt là sách thiếu nhi và sách giáo dục kỹ năng, để trẻ em miền quê nghèo có cơ hội tiếp cận tri thức sớm hơn, bền vững hơn.

Câu chuyện đầy xúc động của Quách Văn Sơn đã được giới thiệu trong chương trình “Trạm yêu thương” phát sóng trên VTV1. Tập mang tên “Tủ sách của tình thân” không chỉ kể lại hành trình đầy nghị lực của một con người vượt lên số phận, mà còn truyền đi thông điệp về sức mạnh của tri thức, lòng biết ơn và giá trị của tình thân trong việc chữa lành những tổn thương sâu thẳm.

“Không thể đứng dậy, nhưng không bao giờ gục ngã” – câu nói ấy chính là tinh thần sống của Quách Văn Sơn. Anh đã chọn một lối đi khác để sống có ích: bằng ý chí, bằng tri thức, và bằng những cuốn sách. Trong hành trình đầy gian khó ấy, cộng đồng đã trở thành điểm tựa, còn anh – lại trở thành điểm tựa cho cộng đồng.

Nguyễn Nghị 

comment Bình luận