Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi): Đề xuất nhiều nội dung đột phá, thúc đẩy cải cách tư pháp

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025”. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra và cán bộ thi hành án dân sự ở nhiều địa phương trên cả nước.
05/07/2025 10:56

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Quy - Phó Trưởng ban Pháp chế và nghiệp vụ thi hành án dân sự, Tổng cục THADS, cho rằng việc xã hội hóa là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nguồn lực công có hạn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “tư nhân hóa quyền lực công”, cần thiết phải có hành lang pháp lý đầy đủ, phân định rõ trách nhiệm của Thừa hành viên và cơ chế xử lý nghiêm minh khi xảy ra sai phạm.

Empty

Bà Nguyễn Thị Kim Quy - Phó Trưởng ban Pháp chế và nghiệp vụ thi hành án dân sự, Tổng cục THADS phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Thị Mai cho rằng, ngoài kiểm soát quyền lực, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trưởng văn phòng thi hành án dân sự (tương lai) đối với mọi hành vi nghề nghiệp của Thừa hành viên dưới quyền. “Không thể để tình trạng chuyển đổi mô hình mà thiếu ràng buộc trách nhiệm. Ai làm sai phải chịu trách nhiệm cá nhân và pháp lý”, bà nói.

Bà Mai cũng chỉ ra nghịch lý hiện nay: người dân đi đòi quyền lợi thi hành án gặp rất nhiều thủ tục phiền hà, trong khi cơ quan chức năng chưa khai thác hiệu quả dữ liệu số từ tòa án, cơ quan thuế, ngân hàng... Dự thảo cần bổ sung điều khoản ràng buộc nghĩa vụ cập nhật, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp để đảm bảo thi hành án chính xác, kịp thời.

Empty

Quang cảnh buổi hội thảo

Một trong những chủ đề được quan tâm tại hội thảo là vai trò của Viện Kiểm sát trong giám sát hoạt động THADS. Luật sư Lê Hồng Nguyên cho rằng, VKS hiện vẫn đang bị "mờ nhạt" trong quy trình thi hành án. Ông đề xuất sửa đổi luật để nâng cao hiệu lực thực tiễn của công tác kiểm sát, giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án.

Liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều ý kiến cho rằng cần có bước đột phá trong số hóa nghiệp vụ thi hành án. Việc kết nối dữ liệu giữa các ngành: tư pháp, ngân hàng, bảo hiểm, thuế… sẽ giúp xác minh nhanh chóng điều kiện thi hành án, rút ngắn quy trình và bảo vệ tốt hơn quyền lợi các bên đương sự.

Luật sư Nguyên lấy ví dụ từ một số quốc gia như Hàn Quốc, Estonia – nơi hệ thống thi hành án đã được vận hành gần như tự động với sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan công quyền. “Chúng ta không thiếu công nghệ, chỉ thiếu cơ chế vận hành. Nếu kết hợp tốt giữa luật và công nghệ, THADS Việt Nam hoàn toàn có thể cải cách mạnh mẽ”, ông nhận định.

Empty

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, luật sư

Kết luận hội thảo, các chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh xã hội hoá không có nghĩa là Nhà nước từ bỏ vai trò trung tâm trong đảm bảo công lý. Ngược lại, càng cần tăng cường kiểm soát, thiết lập cơ chế giám sát độc lập và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của lực lượng ngoài công quyền được giao quyền.

Điều quan trọng hơn là phải bảo vệ niềm tin của người dân vào công lý – điều sẽ bị xói mòn nếu quyền lực công bị “khoán trắng” cho lực lượng tư nhân mà thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, và chịu trách nhiệm cụ thể.

Đại diện Ban tổ chức cho biết sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến tại hội thảo, hoàn chỉnh dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Kỳ vọng đặt ra là xây dựng được khung pháp lý không chỉ phù hợp với thực tiễn mà còn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới.

Thanh Tùng

comment Bình luận